VNEEC tổ chức thành công 02 khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon tại Hà Nội

05-03-2024

 2,590 views

 2,590 views

Vào cuối tháng 02/2024, 02 khóa đào tạo về Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch phát thải (ETS) và Thị trường các-bon do Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Khách sạn Melia – Hà Nội.

(Ảnh: Đại biểu tham gia Khóa đào tạo đầu tiên)

Khóa đào tạo thứ nhất diễn ra vào ngày 26 và 27/02/2024 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan đến việc thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon và thị trường các-bon tại Việt Nam, cùng các tổ chức phát triển, tổ chức tài chính và những bên liên quan khác.

(Ảnh: Đại biểu tham gia Khóa đào tạo thứ hai)

Khóa đào tạo thứ hai được thiết kế dành riêng cho đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, diễn ra vào ngày 29/02 và 01/03/2024.

Các khóa đào tạo kéo dài 02 ngày về ETS và Thị trường các-bon là một phần trong hoạt động hỗ trợ của Chương tình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhằm thúc đẩy phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Biến đổi Khí hậu (Cục BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật (TA) “Đào tạo và mô phỏng Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch phát thải (ETS) tại Việt Nam”.

Mục tiêu chính của TA là xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon, sử dụng công cụ mô phỏng ETS phù hợp với bối cảnh Việt Nam cho các bên liên quan khác nhau bao gồm các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính, đại diện truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải lớn sẽ phải tham gia vào ETS của Việt Nam trong tương lai.

Đây là hoạt động đào tạo năng lực đầu tiên ở Việt Nam thu hút sự tham gia của các bên liên quan thuộc cả khu vực công và tư với một chương trình đào tạo toàn diện và có hệ thống về ETS và thị trường các-bon, kết hợp sử dụng công cụ mô phỏng thị trường CarbonSim được điều chỉnh riêng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, website vncarbonmarket.com  thuộc khuôn khổ TA đã được xây dựng để cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng của các bên liên quan về ETS trong tương lai tại Việt Nam.

Sau khi mở đơn đăng ký tham gia, cả 02 khóa đào tạo đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng quan tâm đến môi trường, các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp, với số lượng đăng ký lớn, vượt quá mong đợi. Mỗi khóa đều ghi nhận được khoảng 150 đơn đăng ký. Để đảm bảo chất lượng, Ban tổ chức (BTC) đã hạn chế số lượng người tham gia, cho phép mỗi công ty chỉ được cử 01 đại diện tham dự khóa đào tạo. Chính vì vậy, mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia, nhưng BTC rất tiếc phải từ chối yêu cầu để đảm bảo các khóa đào tạo được diễn ra thuận lợi.

(Ảnh: Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu)

Phát biểu tại khóa đào tạo dành cho bộ ngành, TS. Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: “Việt Nam đã xác định áp dụng công cụ định giá các-bon, cụ thể là thị trường các-bon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK)”. Bà Liên cho biết thêm, trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS, ETP, một trong những hoạt động hỗ trợ là lựa chọn và hướng dẫn sử dụng công cụ mô phỏng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải KNK nhằm tạo điều kiện cho các bên liên quan hiểu thêm về chức năng, quy trình vận hành, quản lý, giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch.

(Ảnh: Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu)

Tại buổi hội thảo thứ hai, TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS)… Để thiết lập và vận hành thị trường các-bon trong nước, Chính phủ đã ban hành lộ trình triển khai thị trường các-bon tuân thủ trong nước với mục tiêu quan trọng là thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2025, vận hành chính thức vào năm 2028. Chính vì vậy, việc hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về thị trường các-bon là hoạt động rất quan trọng và cần thiết.

Khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon sử dụng công cụ mô phỏng CarbonSim lần này là cơ hội để các chuyên gia trình bày, giới thiệu về thiết lập, vận hành hệ thống ETS, thị trường các-bon cũng như tập huấn sử dụng công cụ mô phỏng thị trường trong thực tế.

Các bài giảng được xây dựng và trình bày bởi các chuyên gia quốc tế và trong nước hàng đầu trong lĩnh vực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và định giá các-bon. Sáng kiến đào tạo này diễn ra vào giai đoạn quan trọng khi Việt Nam cam kết giảm phát thải KNK theo các nghĩa vụ trong Thỏa thuận Paris.

 

(Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu, Đồng sáng lập,
Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC))

Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), cho biết VNEEC đã khảo sát 537 doanh nghiệp trong lĩnh vực công thương, xây dựng, xử lý chất thải và giao thông trên cả nước có phát thải ước tính trên 10.000 tấn CO2 tương đương.

Đây là những doanh nghiệp dự kiến tham gia vào giai đoạn thí nghiệm thực hiện ETS ở Việt Nam trong 1.912 doanh nghiệp có nghĩa vụ phải báo cáo về kiểm kê KNK theo quyết định Thủ tướng Chính phủ. Từ kết quả khảo sát cho thấy, số doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê KNK còn khá hạn chế, chiếm gần 32%, trong số đó chủ yếu là tự làm kiểm kê, chiếm gần 70%, còn lại là thuê bên thứ 3 thực hiện kiểm kê. Có tới 57,38% doanh nghiệp chưa có kế hoạch giảm phát thải KNK, chỉ có gần 28% đã có kế hoạch giảm phát thải KNK.

Điều đáng nói, hiểu biết của doanh nghiệp về ETS và thị trường các-bon còn quá ít. Trên 50% doanh nghiệp có nghe qua về ETS và thị trường các-bon nhưng không biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản, một số ít không biết ETS và thị trường các-bon ở đâu, chỉ số rất nhỏ – 1,27% doanh nghiệp hiểu cách ETS và thị trường các-bon hoạt động. “Điều này cho thấy, nhu cầu về đào tạo ETS và thị trường các-bon rất lớn”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Nhưng điều đáng mừng, theo bà Hạnh, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong tìm hiểu về vấn đề này khá cao. Phần lớn doanh nghiệp mong muốn được tham gia các khoá đào tạo về ETS, tìm hiểu kiến thức về mục tiêu giảm phát thải các-bon…

(Ảnh: Khảo sát trước khóa đào tạo cho đối tượng là các nhà hoạch định chính sách)

(Ảnh: Khảo sát sau khóa đào tạo cho đối tượng là các nhà hoạch định chính sách)

BTC đã thực hiện một cuộc khảo sát dành cho đối tượng là các nhà hoạch định chính sách về độ hiểu biết của học viên trước và sau khi tham gia khóa đào tạo về sự khác biệt cơ bản giữa ETS, thị trường các-bon tự nguyện, thị trường các-bon tuân thủ và thuế các-bon. Kết quả khảo sát cho thấy, trước khi tham gia khóa học, có tới khoảng 54% số đại biểu tham gia có một hiểu biết hạn chế về những khái niệm này, trong khi chỉ có 15% có thể phân biệt được chúng.

Sau khi kết thúc khóa học, khảo sát mang lại những kết quả ấn tượng khi tỷ lệ người tham gia khóa học có thể phân biệt được ETS, thị trường các-bon tự nguyện, thị trường các-bon tuân thủ, thuế các-bon và có thể giải thích cho đồng nghiệp đã tăng lên đáng kể từ 14,2% lên 56,9%.

(Ảnh: Khảo sát trước khóa đào tạo dành cho đối tượng là các doanh nghiệp phát thải lớn)

(Ảnh: Khảo sát sau khóa đào tạo dành cho đối tượng là các doanh nghiệp phát thải lớn)

Với khóa đào tạo thứ hai dành cho các doanh nghiệp phát thải lớn, tỷ lệ người tham dự có khả năng phân biệt cơ bản giữa ETS, thị trường các-bon tự nguyện, thị trường các-bon tuân thủ, và thuế các-bon, cũng như khả năng giải thích lại cho người khác, đã tăng từ 11,1% lên 56% sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Điều này cho thấy sự hiệu quả của 02 khóa đào tạo trong việc nâng cao kiến thức và nhận thức của học viên về ETS và thị trường các-bon.

 2,591 views,  4 

Tags:

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *