Tiếp nối sự thành công của hai khóa đào tạo về Hệ thống Giao dịch Hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường các-bon tại Hà Nội, vào đầu tháng 05/2024 vừa qua, hai khóa đào tạo tiếp theo đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Đây là các khoá đào tạo nằm trong chuỗi đào tạo về ETS và thị trường các-bon được tổ chức trong khuôn khổ Hỗ trợ kỹ thuật (TA) “Đào tạo và mô phỏng Hệ thống Giao dịch Hạn ngạch phát thải (ETS) tại Việt Nam”. TA này do ETP hỗ trợ, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Biến đổi Khí hậu (BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Mục tiêu chính của TA là xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon, sử dụng công cụ mô phỏng ETS phù hợp với bối cảnh Việt Nam cho các bên liên quan khác nhau bao gồm các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính, đại diện truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải lớn sẽ phải tham gia vào ETS của Việt Nam trong tương lai.
Đây là hoạt động đào tạo năng lực đầu tiên ở Việt Nam thu hút sự tham gia của các bên liên quan thuộc cả khu vực công và tư với một chương trình đào tạo toàn diện và có hệ thống về ETS và thị trường các-bon, kết hợp sử dụng công cụ mô phỏng thị trường CarbonSim được điều chỉnh riêng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, website vncarbonmarket.com thuộc khuôn khổ TA đã được xây dựng để cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng của các bên liên quan về ETS trong tương lai tại Việt Nam.
(Ảnh: Khóa đào tạo thứ nhất – TP.HCM)
(Ảnh: Khóa đào tạo thứ hai – TP.HCM)
Hai khóa đào tạo được tổ chức liên tiếp với khóa đầu tiên diễn ra từ ngày 06 đến 07 tháng 5 năm 2024 và khóa đào tạo thứ hai diễn ra vào ngày 08 đến 09 tháng 5 năm 2024. Đối tượng cả 2 khóa đào tạo tại TP. HCM lần này đều hướng đến các doanh nghiệp phát thải các-bon lớn, cùng với đại diện một số cơ quan quản lý từ các sở ban ngành tại TP. HCM và các tỉnh lân cận, các Hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông.
(Ảnh: Toàn cảnh khóa học)
Sau khi mở đơn đăng ký tham gia, cả hai khóa đào tạo tại TP. HCM đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải và tổ chức liên quan.
(Ảnh: Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu)
Phát biểu khai mạc tại khóa đào tạo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đã và đang tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh. Mỗi quốc gia cần phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời phải có trách nhiệm giảm phát thải KNK, nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C ở cuối thế kỷ này. Việc thực hiện giảm phát thải KNK, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng đã trở thành xu thế tất yếu. Nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK, ngoài giải pháp chuyển đổi năng lượng, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, nhiều quốc gia đã áp dụng công cụ định giá các-bon. Công cụ định giá các-bon phổ biến được áp dụng là thuế các-bon, hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải KNK mà chúng ta vẫn gọi tắt là ETS và các cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon. Đến nay, trên thế giới đã có khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng công cụ định giá các-bon. Theo xu thế chung toàn cầu đó, Việt Nam đã xác định áp dụng công cụ định giá các-bon, cụ thể là thị trường tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải KNK. Thị trường các-bon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp, và chủ động ứng phó với BĐKH.
Để thiết lập và vận hành thị trường các-bon trong nước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành lộ trình triển khai thị trường các-bon tuân thủ trong nước với mục tiêu quan trọng là thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2025, vận hành chính thức vào năm 2028. Bộ TN&MT đang hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện pháp lý và xây dựng các biện pháp, công cụ quản lý hạn ngạch và tín chỉ các-bon, đưa vào nội dung dự thảo Nghị định 06 sửa đổi. Dự kiến Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi này vào tháng 7 năm nay. Chúng ta sẽ tiến hành song song, vừa sửa đổi các quy định pháp luật, vừa tập huấn nâng cao nhận thức để doanh nghiệp và tổ chức liên quan hiểu về cơ chế vận hành này và có tâm thế chủ động.
Các bài giảng trong khóa đào tạo này được xây dựng và trình bày bởi các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và định giá các-bon. Sáng kiến đào tạo này diễn ra vào giai đoạn quan trọng khi Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) theo các nghĩa vụ trong Thỏa thuận Paris.
(Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu,
Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC))
Bà Đặng Hồng Hạnh – Trưởng nhóm, Chuyên gia về Chính sách biến đổi khí hậu, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho biết: “Các bài giảng được xây dựng và trình bày bởi các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và định giá các-bon. Sáng kiến đào tạo này diễn ra vào giai đoạn quan trọng khi Việt Nam cam kết giảm phát thải KNK theo các nghĩa vụ trong Thỏa thuận Paris.”
Nội dung của khóa đào tạo tập trung giới thiệu các nội dung về ETS, đặc biệt kết hợp với thực hành công cụ mô phỏng thị trường các-bon (CarbonSim) phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Theo bà Đặng Hồng Hạnh, với mục tiêu tự nguyện giảm 15,8% và giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính với sự hỗ trợ của quốc tế so với kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030, việc xây dựng một ETS hiệu quả đóng một vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
‘Bằng cách đặt một hạn mức về tổng lượng phát thải và cho phép các doanh nghiệp mua bán hạn ngạch phát thải, ETS tạo ra các động lực kinh tế giúp các doanh nghiệp tìm giải pháp giảm lượng phát thải KNK của họ một cách hiệu quả.’- bà Hạnh cho hay.
(Ảnh: Khảo sát trước 02 khóa đào tạo tại TP.HCM)
BTC đã thực hiện một cuộc khảo sát dành cho các đại biểu tham gia về độ hiểu biết của học viên trước và sau khi tham gia khóa đào tạo về sự khác biệt cơ bản giữa ETS, thị trường các-bon tự nguyện, thị trường các-bon tuân thủ và thuế các-bon. Kết quả khảo sát cho thấy, trước khi tham gia khóa học, có tới 57,8% số người tham gia chỉ có một hiểu biết hạn chế và chỉ có 4,62% có thể phân biệt được về những khái niệm này.
(Ảnh: Khảo sát sau 02 khóa đào tạo tại TP.HCM)
Sau khi kết thúc khóa học, khảo sát cho thấy những kết quả ấn tượng của khóa đào tạo khi tỷ lệ người tham gia khóa học có hiểu biết về các khái niệm này và có thể giải thích cho đồng nghiệp đã tăng lên đáng kể từ 4,62% lên 65,85%.
(Ảnh: Lớp học mô phỏng thị trường)
Khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon đã diễn ra một cách sôi động, đồng thời hoạt động thực hành sử dụng công cụ mô phỏng CarbonSim được điều phối và hướng dẫn bởi ông Josh Margolis – chuyên gia mô phỏng các-bon, tác giả phát triển và điều hành CarbonSim, đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Phản hồi từ các học viên tham gia cho thấy rằng các buổi đào tạo không chỉ mang tính tương tác mạnh mẽ mà còn đem lại những kiến thức thực tế có giá trị. Các đại biểu đã tích cực chia sẻ những cảm nhận cá nhân về trải nghiệm học tập. Đa số đồng tình rằng: “Khóa học thực sự tuyệt vời, mở ra cho tôi nhiều hiểu biết mới”, “Tổ chức đào tạo rất chuyên nghiệp và vượt xa mong đợi”, và nhiều phản hồi tích cực khác.
(Ảnh đại biểu phát biểu cảm nhận)
Tham gia khóa học, qua việc cung cấp kiến thức cơ bản về ETS và thị trường các-bon cũng như có cơ hội được thực hành sử dụng công cụ mô phỏng thị trường CarbonSim, các học viên được trang bị cho bản thân cũng như tổ chức của mình những hiểu biết cần thiết để tiên phong trong việc ra các quyết định cho doanh nghiệp và tổ chức của mình nhằm ứng phó với thách thức của BĐKH nói chung và đặc biệt để tham gia vào ETS và thị trường các-bon trong nước trong thời gian tới.
2,081 views, 2
Tags:
Bài viết liên quan