Các kết quả chính của COP 26 và phân tích định hướng cho hoạt động quản lý và thực hiện cơ chế thị trường các-bon quốc tế tại Việt Nam (tiếp)

17-11-2021

 2,930 views

 2,930 views

Phần 3. Các yêu cầu khác cần thiết cho việc thực hiện cơ chế thị trường các-bon quốc tế theo Thỏa thuận Paris

  • Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định

Việc tham gia các cơ chế theo Điều 6.2 và Điều 6.4 nêu trên chỉ có thể được thực hiện với điều kiện tiên quyết là Việt Nam tuân thủ các quy định liên quan đến đệ trình và cập nhật NDC. Quyết định CMA.3 khuyến khích các quốc gia đệ trình NDC vào năm 2025 cho giai đoạn đến năm 2035 và đệ trình vào năm 2030 cho giai đoạn đến năm 2040 và như vậy cho mỗi kỳ năm năm tiếp theo.

Việt Nam cần xây dựng và ban hành quy trình chính thức cho việc xây dựng và cập nhật NDC năm năm một lần để đảm bảo phản ánh được kịp thời các tiến bộ liên quan đến công nghệ, giải pháp giảm phát thải KNK của từng ngành, từng lĩnh vực, và có các cơ chế đảm bảo sự đồng thuận và tham gia tích cực của các bên liên quan trong việc xây dựng, cập nhật và thực hiện NDC.

  • Thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo khung minh bạch tăng cường

Quyết định CMA.3 thống nhất sử dụng mẫu bảng biểu báo cáo điện tử chung cho các quốc gia thành viên trong việc thực hiện: i) báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia; ii) báo cáo theo dõi tiến độ thực hiện NDC; và iii) các báo cáo về tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng năng lực. Đề cương của báo minh bạch hai năm một lần cũng được quy định.

Các mẫu bảng biểu này quy định các thông tin rất chặt chẽ, đặc biệt là về báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia và báo cáo về các hành động giảm nhẹ đóng góp vào thực hiện mục tiêu NDC.

Báo cáo này cũng yêu cầu cung cấp thông tin về việc sử dụng tiếp cận hợp tác và việc áp dụng điều chỉnh tương ứng đối với các kết quả giảm nhẹ được chuyển giao theo Điều 6.2 và Điều 6.4 nêu trên. Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định nêu trên, xây dựng/cập nhật các quy trình báo cáo hiện có, và tăng cường năng lực để có thể đảm bảo thực hiện các yêu cầu theo khung minh bạch tăng cường.

Việt Nam cũng có thể xác định quan điểm, định hướng liên quan đến việc áp dụng điều khoản linh hoạt trong trường hợp không tuân thủ được hoàn toàn việc cung cấp thông tin theo các mẫu bảng biểu theo quy định.

Nguyễn Hồng Loan (tổng hợp & phân tích).

 2,931 views,  6 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *