Ngày 17/07, tại Hà Nội, trong khuôn khổ dự án SPI-NDC (Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) tài trợ, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tập huấn về “Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy”. Chuyên gia của VNEEC và PoA Carbon – đơn vị tư vấn của JICA đã phối hợp tổ chức Hội thảo tập huấn này. Đây là Hội thảo nằm trong chuỗi đào tạo về Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK cho các doanh nghiệp của dự án SPI-NDC (Tiếp nối các hội thảo tập huấn cho ngành xi măng, thực phẩm & đồ uống, quản lý chất thải ).
Tại hội thảo tập huấn, ông Lương Quang Huy – Trưởng phòng giảm nhẹ phát thải và Bảo vệ tầng ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường)-cho biết: Ngành giấy và bột giấy là ngành phát thải lớn nằm trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện COP26, đòi hỏi các bộ, ngành, sản xuất trong bất kỳ lĩnh vực nào đều phải chung tay thực hiện các mục tiêu quốc gia đã cam kết. Để giảm các gánh nặng cho doanh nghiệp, thời gian đầu sẽ có sự hỗ trợ từ bộ ngành, cơ quan, tổ chức cho các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các nghĩa vụ và yêu cầu báo cáo mới liên quan đến kiểm kê phát thải và giảm phát thải khí nhà kính, đó cũng là mục đích chính của hội thảo tập huấn này.
Ngành giấy và bột giấy là một trong năm nghành sử dụng nhiều năng lượng nhất trên toàn cầu, đóng góp 2% vào phát thải công nghiệp trực tiếp tương đương 190 triệu tấn CO2 (Cơ quan năng lượng quốc tế). Ở Việt Nam ngành này có khoảng 70 doanh nghiệp trong số 1912 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg.
Hiện các doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện quy định mới này do còn thiếu kiến thức và chuyên gia về kiểm kê và giảm phát thải KNK. Hội thảo tập huấn đã cung cấp các khung pháp lý liên quan đến báo cáo cũng như quy trình kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK cho các doanh nghiệp trong ngành giấy và bột giấy.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện từ các doanh nghiệp và Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA). Các doanh nghiệp đã có các hoạt động và sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải KNK như Kraft of Asia (KoA), Kraft Vina, các công ty cung cấp giải pháp công nghệ như Kawasaki đã chia sẻ các thực hành tốt cũng như các thách thức cho doanh nghiệp để áp dụng các sáng kiến trong ngành hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của doanh nghiệp và của quốc gia. Một số công nghệ giảm phát thải cho ngành giấy và bột giấy như sử dụng hệ thống đồng phát, chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng xanh (điện mặt trời áp mái, hydro xanh..vv), sử dụng lò hơi tầng sôi tuần hoàn đã được chia sẻ và thảo luận sôi nổi tại hội thảo.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản, các đại biểu tham gia đã được cung cấp kiến thức liên quan đến kiểm kê, giảm nhẹ phát thải KNK trực tiếp trong ngành. Đồng thời các đại biểu được thực hành tính toán giả định dựa trên công cụ tính toán để nắm được kiến thức một cách trực quan. Các công cụ được đánh giá cao vì tính hữu ích và giao diện thân thiện, dễ sử dụng với người dùng, sẽ góp phần vào việc tăng cường năng lực và sự sẵn sàng cho các doanh nghiệp trong ngành giấy và bột giấy nhằm đảm bảo các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến phát thải khí nhà kính theo quy định của pháp luật và chuẩn bị cho lộ trình cắt giảm phát thải nhằm thực hiện được những mục tiêu của doanh nghiệp, ngành và quốc gia.
Linh Thùy
2,978 views, 4
Tags:
Bài viết liên quan