Ngày 12/07/2022, VNEEC đã được mời tham dự và trình bày các kết quả nghiên cứu và phân tích tại Hội thảo “Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh thông qua trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức với sự tài trợ của Chính phủ Na Uy.
Nằm trong khuôn khổ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Hội thảo có mục tiêu tăng cường hiểu biết cho các bên liên quan về thị trường carbon và phương thức trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế để thúc đẩy huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.
Bà Đặng Hồng Hạnh và Nguyễn Hồng Loan có mặt tại hội thảo
GGGI hiện đang thực hiện dự án tài chính carbon toàn cầu do Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy tài trợ với tên gọi “Thiết kế Phương pháp tiếp cận Chính sách theo Điều 6” hay DAPA tại 4 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Tại Việt Nam, GGGI đang làm việc với Bộ Công Thương và các bên liên quan khác của quốc gia để xác định Phương pháp tiếp cận chính sách, trong đó việc thực hiện một hoặc nhiều chính sách có thể huy động nguồn tài chính carbon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.
Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập VNEEC và là tư vấn dự án của GGGI thực hiện nghiên cứu này tại Việt Nam. Nghiên cứu này đánh giá và lập danh sách các chính sách ưu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có tiềm năng giảm phát thải KNK cũng như có tính khả thi tại Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ đánh giá và đề xuất lựa chọn các tiếp cận chính sách thí điểm nhằm chuyển giao các “Kết quả giảm nhẹ được trao đổi quốc tế – ITMOs” theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris với đối tác Na Uy.
Tại Hội thảo, bà Đặng Hồng Hạnh, đã trình bày các kết quả nghiên cứu và phân tích đa tiêu chí về quản trị carbon theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris qua báo cáo với tiêu đề “Thiết kế các tiếp cận chính sách cho Điều 6 tại Việt Nam và đánh giá sơ bộ các lựa chọn chính sách”, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho các hoạt động lựa chọn tiếp cận chính sách có tiềm năng để hợp tác trong giai đoạn tiếp theo trong khuôn khổ Điều 6.2.
Bà Đặng Hồng Hạnh trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo
Bà Nguyễn Hồng Loan, Trưởng ban tư vấn VNEEC, đã được mời trình bày bài giới thiệu và phân tích về “Tổng quan về các cơ chế bù trừ carbon tại Việt Nam và các bài học kinh nghiệm”. Báo cáo đã phân tích và trao đổi kinh nghiệm cùng các bài học liên quan đến quản lý và xây dựng khung pháp lý, thể chế cũng như quy trình phát triển và thực hiện các dự án CDM/JCM ở Việt Nam.
Hội thảo đã diễn ra thành công với sự tham gia và thảo luận nhiệt tình từ các đại biểu đến từ các Bộ, Ngành, cơ quan có liên quan.
3,593 views, 4
Tags:
Bài viết liên quan