Tại Khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 02/2024, bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), cho rằng với mục tiêu tự nguyện giảm 15,8% và giảm 43,5% lượng phát thải KNK với sự hỗ trợ của quốc tế so với kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030, việc xây dựng ETS hiệu quả đóng một vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
(Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu, Đồng sáng lập,
Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC))
Bằng cách đặt một hạn mức về tổng lượng phát thải và cho phép các doanh nghiệp mua bán hạn ngạch phát thải, ETS tạo ra các động lực kinh tế giúp các doanh nghiệp tìm giải pháp giảm lượng phát thải KNK của họ một cách hiệu quả. Ngoài ra, doanh thu từ việc đấu giá hạn ngạch có thể được tái đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu, hỗ trợ thêm cho các nỗ lực của quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo lộ trình, Hệ thống giao dịch phát thải, cơ chế tín chỉ sẽ thực hiện thí điểm 2025 – 2027; các doanh nghiệp trong danh sách báo cáo kiểm kê KNK tháng 3/2025 sẽ phải có báo cáo.
(Ảnh: Bà Roxanne Tan, Quản lý cấp cao về chính sách khí hậu, tài chính và thị trường các-bon tại Tập đoàn South Pole)
Bà Roxanne Tan, Quản lý cấp cao về chính sách khí hậu, tài chính và thị trường các-bon tại Tập đoàn South Pole nói rõ, định giá các-bon hiện là cốt lõi trong chiến lược giảm nhẹ phát thải KNK của nhiều quốc gia. Định giá các-bon như một công cụ kinh tế. Bằng cách định giá cho các-bon, gánh nặng kinh tế liên quan đến thiệt hại do phát thải KNK được chuyển sang các cơ sở phát thải chịu trách nhiệm về nó. Từ đó, các cơ sở phát thải có được sự linh hoạt trong việc quyết định cách thức, địa điểm và thời điểm giảm phát thải với chi phí tổng thể thấp nhất.
Định giá là một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy một loạt các phản ứng hành vi nhằm giảm sử dụng năng lượng và chuyển sang sử dụng nhiên liệu hay quy trình các-bon thấp. Đồng thời, tạo nguồn thu nhập cho ngân sách, có thể được sử dụng cho các mục tiêu kinh tế xã hội khác nhau.
(Ảnh: Ông Michael Mehling, Chuyên gia đào tạo năng lực, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Năng lượng và Môi trường (CEEPR) tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT))
(Ảnh: Ông Josh Margolis, Chuyên gia mô phỏng các-bon, tác giả phát triển và điều hành CarbonSim)
Phần thực hành sử dụng công cụ mô phỏng CarbonSim được điều phối và hướng dẫn bởi Ông Josh Margolis, là người quản lý và điều hành CarbonSim. Trong quá trình mô phỏng, những người tham gia đảm nhận vai trò như các doanh nghiệp tham gia thị trưởng với các mục tiêu giảm phát thải cụ thể. Người chơi phải đưa ra các quyết định chiến lược liên quan đến lựa chọn công nghệ giảm phát thải, cũng như tham gia đấu giá và trao đổi hạn ngạch phát thải qua các phiên đấu giá và trên sàn giao dịch. Mục đích cuối cùng là đạt được mục tiêu giảm phát thải của cơ sở với chi phí tối thiểu, điều này cũng là mục đích mà các doanh nghiệp cần đạt được khi tham gia ETS trong thực tế.
(Ảnh: Lớp học mô phỏng thị trường)
(Ảnh: Lớp học mô phỏng thị trường)
Khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon cũng như hoạt động thực hành sử dụng công cụ mô phỏng diễn ra rất sôi động, nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ học viên tham gia về tính tương tác và tính ứng dụng thực tế của các buổi học. Bà Nguyệt Anh đến từ IFC phát biểu cảm nhận “Đây là khóa đào tạo tôi thấy bổ ích và thú vị nhất trong các khóa mà tôi từng tham gia từ trước đến giờ”. Rất nhiều đại biểu đồng tình nhận định: “Khóa học thật sự rất tuyệt vời, mang lại cho tôi nhiều hiểu biết mới”,…
(Ảnh đại biểu phát biểu cảm nhận)
(Ảnh đại biểu phát biểu cảm nhận)
Tiếp nối sự thành công của hai khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon tại Hà Nội, hai khóa đào tạo tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ dành cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp phát thải lớn tại các tỉnh miền Nam và vùng lân cận. Tham gia khóa học, học viên sẽ được cung cấp kiến thức về ETS và thị trường các-bon cũng như có cơ hội được thực hành sử dụng công cụ mô phỏng thị trường CarbonSim, trang bị cho bản thân cũng như tổ chức của mình những kiến thức cần thiết để tiên phong trong việc ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
2,869 views, 6
Tags:
Bài viết liên quan