Chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế (I-REC), nguồn tài chính mới cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

18-04-2022

 21,923 views

 21,923 views

Cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 (2021) đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Để đạt được mục tiêu trên và nhằm góp phần đạt được mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC mà Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã đề ra vào năm 2015, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch đồng thời tăng cường đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế (I-REC) là một trong những tiêu chuẩn đang được áp dụng rộng rãi nhằm khuyến khích đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo và hỗ trợ chuyển đổi lĩnh vực năng lượng theo hướng xanh hơn.

I-REC là một loại Chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) được đưa ra để chứng nhận một lượng điện năng nhất định được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (1 I-REC đại diện cho 1 megawat giờ điện tái tạo). Hiện nay, ngoài I-REC, hệ thống EAC toàn cầu còn có 2 loại chứng chỉ năng lượng tái tạo khác là: Chứng chỉ đảm bảo nguồn gốc năng lượng – Guarantee of Origin (GO) được sử dụng tại thị trường năng lượng Liên minh Châu Âu và Chứng chỉ năng lượng tái tạo – Renewable Energy Certificates (REC) được sử dụng tại thị trường năng lượng Mỹ và Canada. I-REC được sử dụng tại các nước, khu vực chưa có hệ thống chứng nhận năng lượng xanh như Châu Phi, Châu Á, Nam Mỹ…[1] Ngoài ra tại một số quốc gia như Úc hay Nhật cũng tồn tại hệ thống chứng nhận riêng[2].

Giống như các EAC khác, I-REC cho phép các doanh nghiệp chứng minh rằng lượng điện họ sản xuất và phát lên lưới là từ nguồn gốc năng lượng tái tạo, giúp phân biệt với các nguồn năng lượng phi tái tạo khác cũng hòa vào lưới điện. Do đó, bên cung cấp I-REC thường là các đơn vị sản xuất điện năng tái tạo, còn bên mua I-REC là các đơn vị tiêu thụ điện từ lưới có mong muốn giảm phát thải gián tiếp từ tiêu thụ điện (phát thải Phạm vi 2) của mình, hoặc có mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

I-REC được xây dựng dựa trên Chứng chỉ năng lượng tái tạo REC và GO vào năm 2014 và được công nhận bởi các tiêu chuẩn bền vững quốc tế như Tiêu chuẩn khí nhà kính, RE100, CDP, ISO… Mỗi I-REC, ngoài việc biểu thị cho 1MWh năng lượng tái tạo được tạo ra, còn bao gồm cả những lợi ích đến môi trường mà lượng năng lượng tái tạo này đem lại. Hệ thống theo dõi kỹ thuật số của Tiêu chuẩn I-REC cho phép các bên tham gia theo dõi các thuộc tính năng lượng tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ[3], giúp đảm bảo tính minh bạch và tránh tính trùng khi giao dịch I-REC trên thị trường.

Để phát triển và đăng ký một dự án theo I-REC, người đăng ký phải tuân thủ chặt chẽ các bước mà Tổ chức Tiêu chuẩn I-REC đưa ra (bao gồm 9 bước phát triển dự án) cũng như cung cấp các thông tin và dữ liệu cần thiết (ví dụ như thông tin thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo, các chỉ số năng lượng được thẩm định chặt chẽ bởi bên thứ ba…). Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên, mỗi bên tham gia thị trường (bao gồm cả bên tham gia và bên đăng ký) phải chi trả các mức phí theo quy định cho các dịch vụ được ban hành bởi Tổ chức Tiêu chuẩn I-REC.

Hiện nay, I-RECs đã có mặt tại 51 quốc gia với 63 triệu MWh I-REC được ban hành trong năm 2021[4]. VNEEC với kinh nghiệm tư vấn kết hợp kiến thức chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao đã và đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thành công 14 dự án IREC với hơn 800.000 chứng chỉ I-REC được ban hành giúp tạo nguồn thu bổ sung, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trần Hồng Thanh

Nguồn tham khảo:

[1] https://recs.org/

[2] I-REC_Factsheet.pdf (naturalcapitalpartners.com)

[3] https://www.irecstandard.org/download/i-rec-guide-how-i-rec-works/

[4] International REC Standard Foundation.

 21,924 views,  12 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *