VNEEC tổ chức thành công Cuộc họp kỹ thuật: “Thúc đẩy tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam” ngày 25/03/2025

27-03-2025

 63 views

 63 views

Chiều ngày 25/03/2025 tại Hà Nội, Cuộc họp kỹ thuật: “Thúc đẩy tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam” đã được tổ chức thành công. Sự kiện do Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) phối hợp với Trung tâm Thích ứng biến đổi khí hậu và Trung hòa các-bon cùng Công ty Cổ phần Quản lý PoA Carbon Việt Nam, với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác tăng cường minh bạch vì đồng sáng tạo (PaSTI), Bộ Môi trường Nhật Bản và triển khai thông qua Trung tâm Hợp tác Môi trường Hải ngoại Nhật Bản (OECC) tổ chức. Cuộc họp nhằm chia sẻ những xu hướng và cập nhật mới nhất về tài chính xanh theo khuôn khổ quốc tế, đồng thời cung cấp các thông tin liên quan đến khung pháp lý, tổ chức thể chế, bối cảnh quốc gia về tài chính xanh tại Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thích ứng Biến đổi Khí hậu và Trung hòa Các-bon, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh rằng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 không chỉ là cam kết của Việt Nam mà còn là xu hướng tất yếu trong thương mại và đầu tư toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đối mặt với nhu cầu tài chính rất lớn. Trước thực tiễn này, tài chính xanh đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát thải các-bon thấp và hỗ trợ quá trình chuyển đổi của các lĩnh vực phát thải lớn  hướng tới phát thải ròng bằng 0.

(Ảnh: Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thích ứng biến đổi khí hậu và Trung hòa các-bon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường)

Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý và thể chế nhằm thúc đẩy tài chính xanh, bà Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành VNEEC – đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật, gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tháng 11 năm 2022 (NDC 2022), Việt Nam cần khoảng 21,7 tỷ USD để đạt được mức giảm phát thải 15,8% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) bằng nguồn lực trong nước, tương đương với 146,3 triệu tấn CO2tđ. Để tăng mức giảm phát thải KNK lên 43,5% (tương đương 403,7 triệu tấn CO2tđ), Việt Nam cần huy động khoảng 86,8 tỷ USD từ các nguồn tài chính quốc tế, bao gồm viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ công nghệ và tăng cường năng lực.

(Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường – VNEEC)

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đã xây dựng khung chính sách tài chính xanh rõ ràng, với cơ quan điều phối chuyên trách và cơ chế minh bạch. Trung Quốc ban hành Hướng dẫn về Thiết lập Hệ thống Tài chính Xanh (2016) và Bảng Danh mục Hướng dẫn cho Ngành Công nghiệp Xanh (2019), trong khi Nhật Bản triển khai Chiến lược Tài chính Bền vững (2021-2022). Singapore có Kế hoạch Hành động Tài chính Xanh (2019). Các nước này cũng đã thiết lập cơ quan đầu mối như Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản, Ủy ban Tiền tệ Singapore. Ngoài ra, hệ thống phân loại tài chính xanh được triển khai mạnh mẽ, điển hình như Danh mục Trái phiếu Xanh của Trung Quốc (2021) hay Danh mục tài chính bền vững Singapore-Asia (2023).

Việt Nam cũng đang có những bước đi quan trọng trong việc xây dựng chính sách tài chính xanh, với nhiều quy định liên quan trong Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư và các chiến lược phát triển dài hạn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tài chính. Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh trong nước vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu với nhiều thách thức như nguồn vốn hạn chế, thiếu sản phẩm tài chính chuyên biệt và các rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh. 

Hiện nay, hai công cụ tài chính xanh gồm tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Theo ông Lại Văn Mạnh – chuyên gia thuộc Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp & Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tín dụng xanh là hình thức cho vay của các tổ chức tín dụng đối với các hoạt động tiêu dùng, đầu tư hoặc sản xuất kinh doanh không gây tổn hại tới môi trường, qua đó góp phần gìn giữ và bảo vệ hệ sinh thái. Trong khi đó, trái phiếu xanh là hình thức huy động vốn do nhà nước, chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành nhằm phục vụ các dự án thân thiện với môi trường. Cả hai hình thức này đều được xem là các khoản vay xanh, hỗ trợ tài chính cho những dự án mang lại lợi ích môi trường rõ rệt. Hiện tại, Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp & Môi trường đang xây dựng một Danh mục phân loại xanh. Theo dự thảo hiện hành, Danh mục phân loại xanh chia các dự án đầu tư thành 8 nhóm chính: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên nước, nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản, đa dạng sinh học, ngành chế biến – chế tạo, và dịch vụ môi trường.

(Ảnh: Ông Lại Văn Mạnh, chuyên gia thuộc Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp & Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

Ông Trịnh Quỳnh Thành, Phó Giám đốc Ban kinh doanh vốn & tiền tệ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh rằng nhu cầu tài chính xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam đang tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh và cam kết giảm phát thải. Đến năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đã chiếm 4,09% tổng dư nợ, tăng 7,2% so với năm 2023. Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo, công trình xanh, giao thông bền vững và tìm kiếm các giải pháp tài chính phù hợp như trái phiếu xanh, khoản vay xanh. Đồng thời, nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đang tích cực tham gia vào thị trường này, đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải có chiến lược chuyển đổi để đáp ứng tiêu chuẩn ESG.

(Ảnh: Ông Trịnh Quỳnh Thành, Phó Giám đốc Ban kinh doanh vốn & tiền tệ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV)

BIDV đã tiên phong phát hành các sản phẩm tiền gửi xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng, thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tài chính xanh vẫn gặp thách thức do hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn phân loại xanh tại Việt Nam chưa hoàn thiện, thiếu phương pháp đánh giá hiệu quả dự án xanh, cũng như lo ngại về chi phí chuyển đổi cao và khả năng sinh lời của các sản phẩm tài chính xanh. Trước những thách thức này, BIDV đề xuất các giải pháp quan trọng như sớm ban hành danh mục phân loại xanh, cơ chế ưu đãi về lãi suất, thuế, phí cho tín dụng xanh và doanh nghiệp xanh. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các tổ chức tài chính quốc tế, thu hút vốn ODA, FDI vào các dự án bền vững và nâng cao năng lực chuyên môn về ESG. 

Cuộc họp kỹ thuật “Thúc đẩy tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam” đã cung cấp nhiều thông tin thực tiễn và cập nhật hữu ích về xu hướng, chính sách và công cụ tài chính xanh. Sự kiện đóng vai trò như một diễn đàn trao đổi giữa các bên liên quan, góp phần hỗ trợ quá trình xây dựng cơ chế và khung pháp lý phù hợp với điều kiện trong nước. Các nội dung thảo luận tại cuộc họp được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa và hỗ trợ Việt Nam trong lộ trình hiện thực hóa các cam kết khí hậu, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Truyền thông đưa tin về sự kiện (tiếp tục cập nhật):

  1. Báo Công thương: https://congthuong.vn/tai-chinh-xanh-co-hoi-nao-cho-phat-thai-rong-bang-0-379943.html?gidzl=H3grIEK24W15BRPCv1yK14GekKd_6nm4NNkm7laR45TVVx0RyqqNLLyguHhyJKrJ2ddi766L0PLxumWH0m
  2. Báo Nông nghiệp Việt Nam :https://nongnghiep.vn/phan-loai-du-an-xanh-giup-phat-huy-hieu-qua-tai-chinh-xanh-d744878.html

 

 64 views,  2 

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *