Từ ngày 09 đến ngày 13/12/2024, tại thủ đô Hà Nội và TP. HCM, hai khóa đào tạo chuyên sâu về Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường các-bon đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là các khoá đào tạo nằm trong chuỗi đào tạo về ETS và thị trường các-bon được tổ chức trong khuôn khổ Hỗ trợ kỹ thuật (TA) “Đào tạo và mô phỏng Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch phát thải (ETS) tại Việt Nam” do Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) hỗ trợ, phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Cục BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). Mục tiêu chính của TA là xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon, sử dụng công cụ mô phỏng ETS phù hợp với bối cảnh Việt Nam cho các bên liên quan khác nhau bao gồm các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính, đại diện truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải lớn sẽ phải tham gia vào ETS của Việt Nam trong tương lai.
(Ảnh: Khóa đào tạo thứ nhất – Hà Nội)
(Ảnh: Khóa đào tạo thứ hai – TP. HCM)
Bốn khoá đào tạo đã được tổ chức thành công vào tháng 3 và tháng 5, năm 2024. Bốn khóa đào tạo này đều hướng đến các đối tượng tham gia từ các bộ ngành, cơ quan chính phủ, phương tiện truyền thông và các bên tư nhân liên quan đến thiết lập và quản lý sàn giao dịch các-bon và thị trường các-bon tại Việt Nam, bao gồm các đơn vị phát thải lớn dự kiến sẽ phải tham gia vào ETS của Việt Nam trong tương lai. Để tiếp nối thành công này và nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng tăng về ETS và thị trường các-bon, các khóa học lần này tập trung vào các doanh nghiệp phát thải lớn thuộc ba lĩnh vực chính: thép, xi măng và nhiệt điện – những lĩnh vực có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và dự kiến sẽ tham gia ETS của Việt Nam trong tương lai gần. Mỗi khóa đào tạo diễn ra trong hai ngày, cung cấp cho học viên nền tảng kiến thức vững chắc về ETS và thị trường các-bon, đồng thời tạo cơ hội thực hành sử dụng CarbonSim – một công cụ mô phỏng thị trường các-bon hiện đại được tùy chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Công cụ này giúp học viên nắm bắt cách thức vận hành của ETS và thị trường các-bon một cách thực tế và hiệu quả.
(Ảnh: Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu)
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, nhấn mạnh rằng việc giảm phát thải KNK và phát triển thị trường các-bon là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu. Ông cho biết: “Thị trường các-bon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK với chi phí thấp, thúc đẩy công nghệ phát thải thấp và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.”
(Ảnh: Ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình cấp cao của ETP)
Ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình cấp cao của ETP đã có bài phát biểu khai mạc bày tỏ sự trân trọng đối với các nỗ lực của DCC, MONRE và các bên tham gia, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của ETS trong việc định giá các-bon và thúc đẩy phát triển bền vững. Ông đánh giá cao khung pháp lý vững chắc của Việt Nam, đặc biệt là Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP, tạo nền tảng cho thị trường các-bon. Ông tin tưởng rằng các khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon này sẽ giúp các bên liên quan sẵn sàng cho thách thức và cơ hội khi thị trường các-bon chính thức vận hành vào năm 2028, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các đối tác đã góp phần hiện thực hóa sáng kiến này.
Các bài giảng trong khóa đào tạo này được xây dựng và trình bày bởi các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và định giá các-bon. Với phương pháp giảng dạy mang tính tương tác cao, học viên không chỉ được trang bị kiến thức mà còn có cơ hội thực hành, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm.
(Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu,
Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC))
Bà Đặng Hồng Hạnh, Giám đốc Điều hành VNEEC, chia sẻ rằng chuỗi đào tạo này diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ thực hiện các nghĩa vụ giảm phát thải KNK theo Thỏa thuận Paris. “Chúng tôi tin tưởng rằng các khóa đào tạo không chỉ nâng cao nhận thức mà còn giúp các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào thị trường các-bon trong nước” bà Hạnh phát biểu.
(Ảnh: Toàn cảnh khóa học)
Các học viên tham gia đều đánh giá cao chất lượng chương trình đào tạo. Nhiều ý kiến cho rằng các khóa học đã mang đến những kiến thức hữu ích và trải nghiệm thực tế quý giá. Một số phản hồi tích cực từ học viên như: “Khóa học thực sự tuyệt vời, mở ra nhiều hiểu biết mới” hay “Hoạt động mô phỏng rất thiết thực và sát với thực tế.” Bên cạnh đó, các học viên cũng đặc biệt đánh giá cao sự chuyên nghiệp trong tổ chức và phương pháp giảng dạy. Một số ý kiến nhấn mạnh rằng khóa đào tạo đã giúp họ hiểu sâu hơn về cơ chế vận hành của ETS, từ đó có thể áp dụng vào các chiến lược nội bộ của doanh nghiệp.
Nhiều học viên cũng bày tỏ sự hài lòng với cơ hội tương tác trực tiếp cùng các chuyên gia quốc tế và các đồng nghiệp từ nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp họ mở rộng mạng lưới kết nối và trao đổi kinh nghiệm. Học viên khẳng định rằng đây là một bước đệm quan trọng giúp họ sẵn sàng đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu và tham gia vào thị trường các-bon trong nước trong tương lai.
(Ảnh: Đại biểu phát biểu cảm nhận về Khóa đào tạo)
Đây là bước chuẩn bị quan trọng khi Việt Nam hướng tới triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2025 và vận hành chính thức thị trường các-bon vào năm 2028. Chuỗi đào tạo VNEEC phối hợp tổ chức không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan mà còn tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thị trường các-bon tuân thủ tại Việt Nam.
Với thành công này, VNEEC tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các sáng kiến ứng phó với thách thức của BĐKH nói chung và đặc biệt để tham gia vào ETS và thị trường các-bon trong nước trong thời gian tới.
31 views, 2
Tags:
Bài viết liên quan