Vào sáng ngày 16 tháng 4 năm 2025 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) với vai trò là đơn vị tư vấn trong khuôn khổ Hỗ trợ kỹ thuật “Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon tại Việt Nam”, đã phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN&MT) và Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) tổ chức hội thảo tham vấn “Đánh giá tác động thị trường các-bon trong nước của Việt Nam trong giai đoạn thí điểm”.
Hội thảo quy tụ thêm các đại diện từ Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng cùng các chuyên gia trong nước, quốc tế về ETS và thị trường các-bon cùng các bên liên quan.
Ảnh: Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ NN&MT
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ NN&MT, cho biết: Hội thảo lần này có mục tiêu quan trọng là phân tích, xây dựng mô hình và đánh giá tác động của các phương án thiết kế, quản lý khác nhau cho thị trường các-bon, từ đó đưa ra những khuyến nghị để Cục Biến đổi khí hậu xem xét trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc vận hành hiệu quả thị trường trong giai đoạn thí điểm sắp tới.
Ảnh: Ông John Robert Cotton, Phó giám đốc ETP
Đại diện cho nhà tài trợ, ông John Robert Cotton, Phó giám đốc ETP, cũng nhấn mạnh vai trò của hội thảo trong việc kết nối chuyên gia, cơ quan quản lý và doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác trong xây dựng thị trường các-bon hiệu quả tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Đại diện Phòng Thị trường các-bon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ NN&MT đã cập nhật các quy định và lộ trình thị trường các-bon trong nước của Việt Nam trong giai đoạn thí điểm. Theo đó, thị trường các-bon sẽ được triển khai thí điểm từ năm 2025 đến 2028, hướng tới vận hành chính thức từ 2029. Giai đoạn thí điểm tập trung vào ba lĩnh vực có phát thải lớn: sản xuất sắt thép, xi măng và nhiệt điện, với mục tiêu thúc đẩy kinh tế các-bon thấp, tối ưu chi phí và tăng năng lực cạnh tranh. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực kỹ thuật và hợp tác quốc tế để hỗ trợ vận hành thị trường các-bon hiệu quả.
Ông Frederic Gagnon-Lebrun, chuyên gia đến từ Tập đoàn South Pole, đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các phương án quản lý ETS, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc xác định rõ phạm vi, thiết lập hạn mức và lựa chọn phương pháp phân bổ hạn ngạch phù hợp. Bên cạnh đó, TS. Robert Ritz, chuyên gia kinh tế từ Đại học Cambridge, trình bày về các tác động kinh tế, tài chính của ETS và phân tích các ví dụ điển hình như EU CBAM và hệ thống ETS của Anh. Đồng thời, ông cũng đưa ra những lưu ý quan trọng trong đánh giá tác động chính sách. Cả hai bài trình bày đều thống nhất quan điểm rằng, kinh nghiệm quốc tế là nguồn tham khảo quý giá, song việc thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào cam kết trong nước và sự phù hợp của chính sách với điều kiện phát triển của Việt Nam.
Bà Nguyễn Hồng Loan, Trưởng nhóm tư vấn VNEEC, đã cập nhật tiến độ Hỗ trợ Kỹ thuật, phân tích chuyên sâu về bối cảnh quốc gia và trình bày phương án quản lý ETS tại Việt Nam trong giai đoạn thí điểm. Trong các bước thiết kế ETS, có 3 yếu tố thiết kế chính bao gồm: xác định phạm vi, thiết lập hạn mức và phân bổ hạn ngạch. Theo đó, đối với xác định phạm vi, tham khảo EU ETS, phạm vi được xác định dựa trên phân tích cường độ phát thải KNK và cường độ thương mại. Theo kết quả, ba ngành được chọn để thí điểm ETS gồm nhiệt điện, xi măng và sắt thép. Phương pháp phân bổ hạn ngạch được đề xuất dựa trên định mức phát thải trung bình theo loại hình sản xuất, trong đó cân nhắc đến hệ số điều chỉnh theo mục tiêu tăng trưởng và giảm phát thải.
Việc xác định hạn mức dựa trên các mục tiêu giảm phát thải KNK theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam bao gồm: mục tiêu do quốc gia tự thực hiện (mục tiêu NDC không điều kiện), mục tiêu đạt được nếu có sự hỗ trợ của quốc tế (mục tiêu NDC có điều kiện), và mục tiêu đạt được nếu có sự hỗ trợ của quốc tế kết hợp với mục tiêu đưa ra trong Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (mục tiêu NDC có điều kiện và JETP). Đối với mỗi kịch bản, nghiên cứu đánh giá phương án để đạt được các mục tiêu này trong trường hợp không có ETS, trường hợp có ETS với tỷ lệ sử dụng tín chỉ bù trừ tối đa 10%, và trường hợp có ETS với tỷ lệ sử dụng bù trừ tối đa là 20% lượng hạn ngạch được phân bổ. Tổng cộng, có 9 kịch bản được xây dựng để đánh giá tác động của ETS tại Việt Nam trong giai đoạn thí điểm.
Ảnh: Bà Nguyễn Hồng Loan – Trưởng nhóm tư vấn VNEEC
Ông Hồ Công Hòa, chuyên gia từ Học viện Chính sách và Phát triển, đã trình bày kết quả đánh giá tác động của các kịch bản trên. Sử dụng mô hình kinh tế lượng cấu trúc, nghiên cứu đã phân tích ba cấp độ: vi mô (cơ sở phát thải), ngành (nhiệt điện, xi măng, sắt thép) và vĩ mô (GDP, tiêu dùng, giá tiêu dùng). Đánh giá tác động cho thấy việc áp dụng ETS giúp giảm đáng kể tổng chi phí của các doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu theo NDC trong tất cả các kịch bản. Ngành nhiệt điện giảm được chi phí tuân thủ nhiều nhất, tiếp theo là sắt thép. Ngành xi măng với lợi thế có chi phí đầu tư giảm phát thải khí nhà kính thấp hơn so với hai ngành còn lại, có thể được hưởng lợi từ cung hạn ngạch ra thị trường. Nhìn chung, chi phí đầu tư ở cả ba ngành tương đối thấp, khoảng từ 0,02% đến dưới 2% tổng đầu tư của cả ngành. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy việc thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu giảm phát thải KNK theo NDC đều có tác động làm giảm GDP của nền kinh tế, tuy nhiên quy mô tác động tương đối nhỏ, chỉ từ 0,00075% đến 0,0,0208% GDP, trong đó kịch bản đạt được NDC không điều kiện với tỷ lệ sử dụng tín chỉ bù trừ tối đa 20% cho tác động thấp nhất đến nền kinh tế, bao gồm cả tác động đến giá tiêu dùng. Ngoài ra, việc thực hiện ETS sẽ thúc đẩy tái cấu trúc các ngành phát thải lớn, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho các ngành phát thải thấp và công nghệ xanh như năng lượng tái tạo,giao thông điện hóa, sản xuất tiết kiệm năng lượng, v.v. Quá trình này cũng kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động, bao gồm giới và việc làm.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung về phương pháp tiếp cận phân bổ hạn ngạch, loại tín chỉ bù trừ được chấp nhận trong giai đoạn thí điểm của ETS, và lộ trình triển khai ETS tại Việt Nam trong giai đoạn thí điểm. Hội thảo lần này là một phần quan trọng trong tiến trình tham vấn chính sách, nhằm hướng đến việc thiết kế một thị trường các-bon trong nước hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và giảm phát thải KNK.
59 views, 4
Tags:
Bài viết liên quan