Ngày 18/09/2023, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh, Bộ Xây dựng đã tổ chức tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” cho các cấp lãnh đạo. Sự kiện này diễn ra với sự tham gia của đại diện lãnh đạo từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý và thành phố Hà Nội, CEO doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà tài trợ quốc tế và đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan.
Bà Đặng Hồng Hạnh, đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), đã được mời chủ trì phiên tọa đàm. Bà Hạnh đã mở đầu phiên tọa đàm với một số dữ liệu thống kê, chỉ ra rằng Việt Nam hiện chỉ có gần 300 công trình xanh được chứng nhận bởi các tiêu chuẩn như Lotus, Edge, LEED và Green Mark. Tuy nhiên, cũng chưa có công trình nào đạt tiêu chí phát thải ròng bằng không.
Là một quốc gia đang trên đà phát triển, Việt Nam đang đối mặt với nhiều áp lực do tăng trưởng kinh tế, như nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng và quản lý chất thải. Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ đã khởi xướng nhiều hành động và chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh.
Tại tọa đàm, bà Hạnh đã đặt ra nhiều câu hỏi thảo luận xoay quanh ba nhóm vấn đề chính:
- Đánh giá thực trạng và tương lai của công trình xanh và tiết kiệm năng lượng (tập trung vào đại diện cơ quan nhà nước và Hội đồng công trình xanh).
- Thuận lợi và rào cản trong quá trình triển khai, đồng thời tìm cơ chế chính sách để giải quyết (tập trung vào các doanh nghiệp cung cấp vật tư, doanh nghiệp đầu tư, đơn vị tư vấn công trình xanh).
- Đề ra mục tiêu và chương trình cụ thể liên quan đến nền kinh tế (tập trung vào đại cơ quan nhà nước, đại diện các tổ chức tài chính và tổ chức quốc tế).
Tại cuộc tọa đàm, các nhóm đại diện từ cơ quan nhà nước và hiệp hội (Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội, Hội đồng công trình xanh Việt Nam), các chủ đầu tư toà nhà/công trình xanh (CapitalLand, Capital House, Văn Phú Invest, Saint-Gobain) các doanh nghiệp cung cấp vật tư, thiết bị công trình (Tập đoàn Signify, Sika Vietnam, Kingspan Vietnam, AGC Vietnam), đơn vị tư vấn công trình xanh (Ardor Architects, Arup Vietnam), và các tổ chức quốc tế (IFC, UNDP) đã tham gia và đóng góp ý kiến.
Các doanh nghiệp chia sẻ dù tiềm năng và lợi ích của việc xây dựng công trình xanh là không thể phủ nhận, thực tế cho thấy có nhiều thách thức cần vượt qua. Bên cạnh ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế toàn cầu và sự bão hòa của thị trường bất động sản tại Việt Nam đã tạo ra áp lực lớn lên ngành này. Đối với những chủ đầu tư muốn tiến xa hơn với những dự án xanh, việc thiếu các quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia đồng thời khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn đầu tư do các công trình xanh cần nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn đang trở thành một bài toán khó. Thêm vào đó, sự thiếu hụt của nguồn lực kỹ thuật – cũng đặt thêm thách thức trong việc gia tăng số lượng công trình xanh tại Việt Nam.
Trên cơ sở những đề xuất của các doanh nghiệp tại tọa đàm, cơ quan quản lý nhà nước Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lắng nghe, phản hồi những đề xuất của các doanh nghiệp. Đồng thời cũng đưa ra thông tin về kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách, ưu đãi nhằm khuyến khích và ưu tiên việc phát triển công trình xanh và công trình tiết kiệm năng lượng, nhất là trong việc cấp phép xây dựng, quyền sử dụng đất, cung cấp dịch vụ tài chính, đánh giá tác động môi trường cho những dự án, nhà máy và sản phẩm thuộc lĩnh vực này.
Sự kiện kết thúc bằng chuyến tham quan tòa nhà Capital Palace và văn phòng thuộc Công ty Saint Gobain đặt tại toà nhà. Capital Palace đã đạt chứng chỉ Lotus Gold. Tòa nhà Capital Palace và Công ty Saint Gobain đã tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý chất lượng không khí, và tối ưu hoá môi trường làm việc theo hướng thân thiện cho người sống và làm việc trong toà nhà đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường.
Thùy Linh
2,610 views, 2
Tags:
Bài viết liên quan