Tổng kết Dự án “Thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên tại Việt Nam” – Tiền đề phát triển các dự án tín chỉ các-bon rừng trong tương lai

20-02-2025

 118 views

 118 views

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 14,8 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm 10,1 triệu ha và rừng trồng chiếm 4,7 triệu ha. Mặc dù các cam kết chính trị và chính sách Việt Nam đặt mục tiêu phòng tránh mất rừng, trồng mới và trồng lại rừng, quản lý rừng bền vững là biện pháp chủ đạo để giảm phát thải khí nhà kính (KNK), tuy nhiên, việc tìm kiếm và đảm bảo nguồn tài chính ổn định và bền vững cho ngành lâm nghiệp thực hiện các giải pháp này luôn là một thách thức lớn cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tận dụng nguồn tài chính từ tín chỉ các-bon sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn diện tích rừng tự nhiên cũng như tăng cường diện tích rừng trồng, từ đó giúp bảo vệ hệ sinh thái, tạo sinh kế cho người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm phát thải KNK và  phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Dự án “Thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua các dự án tín chỉ các-bon rừng” đã được triển khai từ tháng 2 năm 2023 và kết thúc vào cuối tháng 1 năm 2025. Đây là một trong sáu hoạt động thuộc chương trình xây dựng Đối tác cho Thị trường Các-bon do Nền tảng Đối tác Kinh doanh (Business Partnerships Platform – BPP) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ. Dự án do Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) và Tập đoàn South Pole thực hiện, với mục tiêu thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên (Nature-based Solutions) thông qua nghiên cứu khả thi và phát triển các dự án tín chỉ các-bon rừng tại Việt Nam.

Sau hai năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả chính như sau:

  1. Nghiên cứu khả thi nhằm đánh giá tiềm năng áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, bao gồm Giảm Phát thải khí nhà kính từ hoạt động Giảm mất rừng và Suy thoái rừng (REDD+), trồng rừng mới (ARR), tăng cường quản lý rừng (IFM) và Phục hồi rừng ngập mặn (WRC), đã được triển khai tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Tuyên Quang. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để phát triển các dự án tín chỉ các-bon phù hợp với điều kiện địa phương. 
  2. Hai Biên bản ghi nhớ (MoU) đã được ký kết giữa VNEEC và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của hai tỉnh, thể hiện cam kết hợp tác trong việc nghiên cứu, đánh giá và thí điểm các dự án tín chỉ các-bon rừng. 
  3. Trong quá trình thực hiện, nhiều cuộc họp và hội thảo tham vấn với các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, công ty lâm nghiệp và cộng đồng địa phương, đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và thu thập ý kiến đóng góp của các bên liên quan để tối ưu hóa phương án triển khai dự án. 
  4. Đặc biệt, dự án đã xây dựng và hoàn thiện 02 văn kiện dự án tín chỉ các-bon theo Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard) cho hoạt động ARR tại Thừa Thiên Huế và Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra (VCS) đối với hoạt động IFM tại Tuyên Quang.

Ảnh: Cuộc họp báo cáo kết quả đánh giá tiềm năng triển khai dự án tín chỉ các-bon giữa VNEEC, South Pole và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế

Ảnh: Cuộc họp tham vấn về dự án tín chỉ các-bon đối với rừng chuyển hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang 

Cuộc họp tổng kết dự án đã diễn ra vào ngày 14/02/2025, với sự tham gia của đại diện DFAT, Công ty VNEEC và Tập đoàn South Pole. Tại cuộc họp, các bên đã cùng nhìn nhận những kết quả đạt được, thách thức trong quá trình triển khai dự án và rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó định hướng chiến lược phát triển trong tương lai. Đại diện DFAT đánh giá đây là một trong những dự án thành công nhất của chương trình BPP và mong muốn các bên tiếp tục phối hợp, mở rộng hợp tác trong các hoạt động liên quan để phát triển thành công các dự án tín chỉ các-bon rừng tại Việt Nam cũng như hỗ trợ, thúc đẩy việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Dựa trên kết quả thực hiện dự án, VNEEC sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho các bên liên quan về thị trường các-bon, đồng thời tăng cường kết nối với nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm tìm kiếm nguồn tài chính phù hợp để thực hiện các dự án tín chỉ các-bon rừng, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu giảm phát thải KNK và phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Linh Nguyễn Lê & Thúy An

 119 views,  10 

Tags:

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *