TỌA ĐÀM “THÚC ĐẨY SÁNG KIẾN VỊ TỰ NHIÊN HƯỚNG TỚI NỀN KINH TẾ CÁC BON THẤP” TẠI DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM

25-08-2023

 2,348 views

 2,348 views

Ngày 23/08/2023, Diễn đàn Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (VCFS) được tổ chức tại Hà Nội bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Diễn đàn này là sự kiện quan trọng thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Sự kiện này có tầm quan trọng đặc biệt trong hành trình hướng tới một tương lai với nền kinh tế bền vững của quốc gia.

Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường. (VNEEC), là diễn giả tham gia Phiên tọa đàm mở đầu của hội thảo “Thúc đẩy các sáng kiến “vị” tự nhiên hướng tới nền kinh tế các-bon thấp” cùng đại diện các doanh nghiệp đầu ngành như Heineken, Vina Capital, Nokia, AES Vietnam, AEON Vietnam và Pan Group.

Với cam kết của Việt Nam tại COP 26 với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hội thảo tập trung vào chủ đề then chốt trong việc các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế các-bon thấp bền vững hơn trong bối cảnh những thách thức cấp bách của biến đổi khí hậu.

Buổi đối thoại được điều phối bởi bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam. Trong phiên thảo luận với bà Hạnh, bà Mỹ nhấn mạnh vị thế đặc biệt của VNEEC với tư cách là đơn vị tư vấn cho cả khối chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Bà đặt câu hỏi: “VNEEC đóng vai trò cầu nối cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong tư vấn chính sách và kỹ thuật, vậy theo bà đâu là cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang kinh doanh theo hướng phát thải carbon thấp, chuyển đổi năng lượng bền vững? Và bà có khuyến nghị gì cho cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình này?”

Bà Hạnh mở đầu bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò VBCSD đã tạo ra cú hích cho các doanh nghiệp thay đổi đổi từ mô hình kinh doanh thông thường sang mô hình kinh doanh bền vững hơn, có trách nhiệm hơn với xã hội và môi trường. Bà cho rằng thách thức lớn nhất là về mặt nhận thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo của các doanh nghiệp đối với biến đổi khí hậu. Mặc dù những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu dường như khó quan sát được trực tiếp và ngay lập tức nhưng chúng gây ra hàng loạt hậu quả gián tiếp và lâu dài ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Đơn vị tư vấn của bà đã có nhiều dự án kết hợp với Bộ TNMT, các bộ ngành, tổ chức liên quan và cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo đào tạo hướng dẫn phổ biến cập nhật kiến thức liên quan đến phát thải khí nhà kính (KNK) trong nhiều lĩnh vực khác nhau (xi măng, thực phẩm & đồ uống, quản lý chất thải, giấy & bột giấy…). Theo quan điểm của bà, quá trình chuyển đổi cũng là một cơ hội, bà Hạnh tin rằng các doanh nghiệp có thể nâng cao giá trị thương hiệu và tạo thêm doanh thu thông qua việc chuyển đổi công nghệ cũng như phát triển các dự án tín chỉ carbon. Bà kết luận bằng việc đưa ra khuyến nghị cho các bộ ngành cần sớm ban hành các thông tư, văn bản cung cấp hướng dẫn kỹ thuật cho các doanh nghiệp và cung cấp thêm các hỗ trợ tài chính, cơ hội đào tạo để hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là trong giai đoạn kiểm kê ban đầu.

Tiếp nối phiên tọa đàm, hội thảo của VCFS tiếp tục với nhiều phiên thảo thuận chuyên đề  và tham luận với nhiều thông tin hữu ích về chủ đề thúc đẩy Việt Nam trên con đường phát triển bền vững. Xem thêm tại đây.

Thùy Linh

 2,349 views,  6 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *