1. Tín chỉ nhựa là gì?
Tín chỉ nhựa là các đơn vị có thể đo lường, xác minh và có thể chuyển nhượng đại diện cho một lượng nhựa cụ thể, thường là một tấn nhựa, đã được thu gom từ môi trường hoặc được tái chế.[1]
Khác với tín chỉ các-bon từ hoạt động tái chế chất thải nhựa, tín chỉ nhựa là đơn vị trực tiếp, không cần thông qua các tính toán chuyển đổi. Cơ chế hoạt động của tín chỉ nhựa gần giống với chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC).
2. Mục tiêu của tín chỉ nhựa
Tín chỉ nhựa có thể được mua bởi bất kỳ tổ chức công hoặc tổ chức tư nhân để giải quyết rò rỉ nhựa trong chuỗi cung ứng, cũng như giúp tài trợ cho các dự án góp phần giảm thiểu tác động đến khí hậu và giảm nhẹ phát thải các-bon.[2]
Các doanh nghiệp đang hướng tới thực hiện thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa trong chuỗi sản xuất – cung ứng sản phẩm có sử dụng nhựa và tuần hoàn nhựa đang quan tâm đến an sinh xã hội, môi trường, và phát triển bền vững đều là những đối tượng phù hợp để tham gia vào dự án tín chỉ nhựa.
3. Bối cảnh thúc đẩy thực hiện các dự án tín chỉ nhựa
- Bối cảnh quốc tế
- Năm 2011, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh vấn đề cấp bách mới về môi trường toàn cầu đó là rác thải nhựa đại dương.
- Kể từ năm 2017, Break Free From Plastics công bố một báo cáo kiểm toán thường niên bao gồm các công ty gây ô nhiễm nhựa hàng đầu.
- Áp lực đã khiến các thương hiệu phải đặt ra các mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, nhằm đáp ứng sự phù hợp với “Plastic Pacts” của Tổ chức Ellen MacArthur Ellen MacArthur’s Foundation New Plastics Economy
- Một vài nhà tiên phong đi đầu (ví dụ: RePurpose, Plastic Bank) đã thử nghiệm thành công khái niệm này, mà không có cơ chế công khai để tạo điều kiện minh bạch.[3]
- Năm 2021, tổ chức Verra đã ban hành các tiêu chuẩn cho phép ban hành tín chỉ nhựa, bao gồm tín chỉ thu hồi nhựa và tín chỉ tái chế nhựa, để có thể giao dịch trên thị trường tự nguyện.
- Bối cảnh trong nước
- Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa ra các quy định mới về quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa tại Điều 73 về “Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”[4]
- Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa
- Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 nêu rõ tầm nhìn và định hướng của quốc gia đối với quản lý rác thải nhựa.
4. Lợi ích từ việc tham gia dự án tín chỉ nhựa
- Đối với bên mua:
Ngoài thúc đẩy phát triển bền vững, việc mua tín chỉ nhựa cho thấy trách nhiệm của công ty đối với sản phẩm từ nhựa của họ. Các lợi ích từ việc mua tín chỉ nhựa:
-
- Bù đắp cho lượng nhựa công ty sản xuất và đưa vào môi trường, tạo cơ hội cho công ty đạt được “trung hòa nhựa”.
- Công ty có thể đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững mà không cần phải thay đổi mạnh mẽ về quản trị hàng ngày.
- Cung cấp hỗ trợ cho các dự án có tác động tích cực với cộng đồng địa phương và cộng đồng toàn cầu.
- Trở thành tiên phong trong tìm kiếm giải pháp cho chất thải nhựa.[5]
- Đối với bên bán
Đối với những doanh nghiệp thu gom, xử lý và tái chế chất thải nhựa, họ cũng có cơ hội đạt được lợi ích kép từ việc tham gia dự án tín chỉ nhựa. Bên cạnh việc bán sản phẩm chất thải nhựa có thể tái chế sau phân loại (nguồn thu chính đã có từ trước) cho các công ty tái chế và trung gian, khi tham gia dự án tín chỉ nhựa, họ có thể bán tín chỉ cho các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ và công ty hàng tiêu dùng có sản phẩm từ nhựa trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nguồn thu bổ sung từ dự án tín chỉ nhựa).
Hình 1: Lợi ích kép khi tham gia tín chỉ nhựa
Nguồn: South Pole, 2021
5. Làm thế nào để bắt đầu một dự án tín chỉ nhựa
Tín chỉ nhựa là loại hình tín chỉ mới tại Việt Nam và trên thế giới. Đến ngày 21/4/2022 mới chỉ có 7 dự án về tín chỉ nhựa trên Verra, trong đó 5 dự án đang trong giai đoạn thẩm định và thẩm tra, 1 dự án đang đăng ký và thẩm định, 1 dự án đã đăng ký xong.
Để bắt đầu phát triển và thực hiện dự án tín chỉ nhựa, cần thực hiện đánh giá dự án theo các tiêu chí hợp lệ rất chặt chẽ của Verra. Hiện nay VNEEC đang phối hợp với South Pole tìm kiếm các hoạt động thu hồi và tái chế chất thải nhựa tiềm năng để xây dựng dự án và kết nối các tối tác tiềm năng trong nước với khách hàng quốc tế có nhu cầu mua tín chỉ.
Vũ Bích Ngọc
[1] https://www.southpole.com/sustainability-solutions/plastic-credits#:~:text=Plastic%20credits%20are%20measurable%2C%20verifiable,regional%20collection%20and%20recycling%20infrastructure.
[2] Ibid 2
[3] Plastic Credits to Tackle Plastic Pollution: How to build our plastic projects portfolio? South Pole’s presentation, March 2021
[4] Luật Bảo vệ môi trường 2020 (sửa đổi).
[5] https://tontoton.com/plastic-credit-what-you-need-to-know-to-do-it-right/
8,211 views, 2
Tags:
Bài viết liên quan