Thị trường các-bon tự nguyện: Thách thức hay cơ hội cho doanh nghiệp

21-04-2025

 327 views

 327 views

Thị trường carbon đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) đã nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Trong khi thị trường carbon bắt buộc trong nước đang bước vào giai đoạn thí điểm – với phạm vi áp dụng chủ yếu cho các cơ sở phát thải lớn trong các ngành như nhiệt điện, thép và xi măng – thì thị trường carbon tự nguyện (VCM) lại mở ra cơ hội rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác.

Việc tham gia thị trường carbon tự nguyện không chỉ giúp doanh nghiệp tạo thêm dòng tài chính từ hoạt động giảm phát thải mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ phát thải thấp và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – vẫn gặp phải không ít thách thức trong quá trình tiếp cận và triển khai các dự án tín chỉ carbon.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải – Giám đốc kỹ thuật – công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều rào cản khi tiếp cận thị trường carbon, đặc biệt là sự thiếu hụt về thông tin và hiểu biết.

Ông Nguyễn Tiến Hải – Giám đốc kỹ thuật – công nghệ mới, Công ty CP Tư vấn năng lượng và Môi trường (VNEEC)

Doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức khi tiếp cận và tham gia các thị trường carbon, hạn chế trong hiểu biết về thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ sự khác biệt giữa hai loại thị trường (thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện), các quy định liên quan, cũng như cách thức thị trường vận hành. Đặc biệt với thị trường tự nguyện, không ít doanh nghiệp chưa hiểu quy trình đăng ký và phát triển dự án tín chỉ.

Ngoài ra các đơn vị cũng thiếu kiến thức về công nghệ giảm phát thải. Việc tiếp cận và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải vẫn còn là trở ngại với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc thu thập và quản lý dữ liệu cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Việc thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) để tính toán phát thải và giảm phát thải vẫn còn mới mẻ với các doanh nghiệp và đòi hỏi nguồn lực đáng kể. Không những thế, việc đầu tư cho công nghệ giảm phát thải, xây dựng hệ thống MRV, hay chi phí liên quan đến phát triển và đăng ký dự án tín chỉ là những rào cản lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn không có nguồn lực tài chính mạnh.

Do đó, Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đồng thời góp phần tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp. Qua các khảo sát về mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của khối tư nhân, nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch về các quy định và hướng dẫn cụ thể để tham gia thị trường.

Một trong những rào cản lớn hiện nay là vấn đề tài chính khi doanh nghiệp triển khai các biện pháp giảm phát thải. Các tổ chức tài chính và ngân hàng có thể đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong lĩnh vực này. Để tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ, Chính phủ cần hoàn thiện khung chính sách về tài chính xanh, đồng thời đưa ra quy định rõ ràng về các loại dự án hoặc sáng kiến đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ các tổ chức tài chính.

hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một nền tảng chính thức nào đóng vai trò là trung tâm chia sẻ thông tin, kết nối và hướng dẫn doanh nghiệp trong lĩnh vực thị trường carbon. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin đáng tin cậy, tiếp cận các đơn vị tư vấn uy tín, cũng như đánh giá tính khả thi và lợi ích tài chính của các dự án tín chỉ carbon. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn liệu việc tham gia thị trường VCM có mang lại lợi ích kinh tế thực tế hay không.

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong việc tham gia thị trường các-bon tự nguyện, cần thiết phải xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển thị trường carbon, bao gồm mạng lưới các nhà nghiên cứu, chuyên gia, tổ chức tư vấn và doanh nghiệp. Hệ sinh thái này sẽ đóng vai trò là cầu nối kiến thức về thị trường carbon, chia sẻ các giải pháp công nghệ tiên tiến, đồng thời kết nối các chủ dự án với nhà đầu tư, đơn vị phát triển và người mua tín chỉ tiềm năng”.

 328 views,  11 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *