Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 20 tháng 11 năm 2020 dưới sự quản lý của Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS), là một quỹ đa bên với mục đích tập hợp các Nhà tài trợ trên khắp thế giới và các Đối tác chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á và thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hiện nay, các đóng góp vào ETP từ Chính phủ Pháp, Đức, Anh và Canada cũng như từ các nguồn tư nhân như Children Investment Foundation, Sequoia Foundation, IKEA Foundation.
ETP hiện tại đang tập trung vào Indonesia, Philippines và Việt Nam, là những quốc gia trong khu vực có nhu cầu năng lượng cao, có số lượng lớn các dự án năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, và có tiềm năng đáng kể và hiệu quả về chi phí đối với các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Tháng 3 năm 2021, VNEEC đã trở thành đơn vị tư vấn hỗ trợ ETP xác định cơ hội hợp tác tiềm năng với các Cơ quan của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng cũng như thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hợp tác với Cục biến đổi khí hậu (DCC), hướng tới thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và đạt được các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đề ra trong Thỏa thuận Paris
Ngày 31/03/2022, cuộc họp đầu tiên giữa DCC và ETP được tổ chức với sự hỗ trợ từ VNEEC. Cuộc họp có sự tham gia của Ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bà Sirpa Jarvenpaa – Giám đốc Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á, và Bà Đặng Thị Hồng Hạnh – Đồng sáng lập Công ty Cổ phần tư vấn Năng lượng và Môi trường. Các Bên đã nhất trí có cùng sự quan tâm trong việc giúp đỡ Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các Bên đã nỗ lực làm việc trong việc đề xuất các hoạt động và soạn Dự thảo Bản ghi nhớ Hợp tác (MOU) gửi cho các Bên xem xét. Các nguyên tắc làm việc và các mục tiêu chung, cùng các lĩnh vực hợp tác tiềm năng đã được tiếp tục thảo luận sau cuộc họp.
Ngày 26/04/2022, đại diện ETP gồm bà Sirpa Jarvenpaa, Ông John Cotton, Ông Đỗ Toàn cùng Đại diện Bên Tư vấn – Bà Đặng Thị Hồng Hạnh đã họp với lãnh đạo Cục biến đổi khí hậu. Các Bên đã xem xét về Dự thảo MOU và các chi tiết hợp tác. Bà Jarvenpaa đánh giá cao cơ hội hợp tác với Cục biến đổi khí hậu đồng thời mong muốn sớm tiến hành ký kết MOU giữa hai Bên.
Ngày 21/06/2022, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường đã diễn ra Lễ ký kết MOU giữa Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS.
Trong khuôn khổ MOU, các bên sẽ cùng đánh giá Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) và các tác động của Cơ chế CBAM đối với quá trình chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; Thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon quốc tế; Thúc đẩy các hoạt động làm mát xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực điều hòa không khí và làm lạnh; Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế các-bon thấp. MOU có hiệu lực từ ngày ký kết đến hết tháng 6/2025. Đại diện Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS thống nhất sẽ sớm lên kế hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Các Bên sẽ họp và trao đổi định kỳ hằng năm để đánh giá các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác, cũng như xây dựng các hoạt động chung tiếp theo.
Thông tin thêm về buổi lễ ký kết xem tại đây.
Hỗ trợ ETP và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) xây dựng các Ý tưởng Dự án để triển khai thực hiện trong khuôn khổ Bản Hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng
Ngày 21/6, STAMEQ và UNOPS đã thực hiện Lễ ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng. Trong khuôn khổ MOU này, ETP sẽ hỗ trợ STAMEQ xây dựng các tiêu chuẩn về năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, tập trung vào tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị, tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật các công trình điện gió ngoài khơi, tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị khảo sát điện gió và tiêu chuẩn kỹ thuật pin dự trữ năng lượng công nghiệp; Nghiên cứu về công nghệ hydrogen xanh và khả năng ứng dụng trong thực tế như một nguồn năng lượng; Tiêu chuẩn thiết bị tiết kiệm năng lượng và dán nhãn tiêu thụ năng lượng (đối với sản phẩm làm mát – phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường – Chương trình quốc gia làm mát xanh).
VNEEC được chọn là đơn vị tư vấn sẽ hỗ trợ STAMEQ và ETP xây dựng các Ý tưởng Dự án để triển khai thực hiện các bước tiếp theo của MOU trên.
Thông tin thêm về buổi lễ ký kết và hoạt động hỗ trợ của ETP cho STAMEQ xem tại đây.
4,813 views, 8
Tags:
Bài viết liên quan