Những điều doanh nghiệp cần lưu ý về phân bổ hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon tại Việt Nam

28-11-2024

 421 views

 421 views

Hiện đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng định giá các-bon, giúp giảm thiểu khoảng 11 tỷ tấn khí CO2, tương đương 20% tổng lượng phát thải toàn cầu. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế này khi chuẩn bị thiết lập thị trường các-bon trong nước.

Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC).

Theo Cục Biến đổi khí hậu, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Vào tháng 6/2025, Việt Nam sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và thí điểm Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS), mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC).

PV: Thưa bà, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thị trường các-bon tại Việt Nam hiện đang được quy định ra sao?

Bà Đặng Hồng Hạnh: Tín chỉ các-bon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn CO2 hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2tđ. Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. Đây là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Định giá carbon chính là mức giá mà doanh nghiệp phải trả để thải ra khí nhà kính. Trong quá khứ, các nguồn phát thải không bị tính phí, nhưng hiện nay, khi phát thải vượt quá mức cho phép, doanh nghiệp sẽ phải chi trả chi phí phát thải. Việc này, giúp doanh nghiệp có tín hiệu giá phù hợp để thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả hơn. Như vậy, định giá carbon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Ngân hàng Thế giới, công cụ này giúp doanh nghiệp linh hoạt triển khai các giải pháp giảm phát thải, góp phần giúp mục tiêu cam kết quốc gia với chi phí thấp hơn khoảng 30%. Tại Việt Nam, công cụ định giá các-bon bao gồm hai phần chính. Đối với thị trường bắt buộc, nhà nước sẽ áp đặt mức trần phát thải khí nhà kính cho một số doanh nghiệp cụ thể. Từ 1/10/2024 áp dụng cho 2166 doanh nghiệp, nếu phát thải vượt mức cho phép, họ sẽ phải mua thêm tín chỉ trên thị trường hoặc sử dụng một phần tín chỉ carbon đã được cấp phép để bù trừ cho lượng phát thải đó.

Theo Nghị định 06/2022, trong thị trường tín chỉ các-bon bắt buộc, doanh nghiệp được phép sử dụng tín chỉ để bù trừ cho mức trần phát thải đã được phân bổ, nhưng không vượt quá 10% tổng lượng phân bổ. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp có trần phát thải là 100 tấn CO2, họ chỉ có thể vượt trần 10% bằng cách mua tối đa 10 tín chỉ, với mỗi tín chỉ tương đương 1 tấn CO2. Hiện nay, nhà nước vẫn chưa quy định rõ loại tín chỉ nào có thể được sử dụng trong trường hợp này. Đây là vấn đề cấp thiết cần bổ sung và sửa đổi trong Nghị định 06 hoặc các hướng dẫn pháp lý liên quan, để xác định loại tín chỉ phù hợp cho việc bù trừ trong thị trường bắt buộc.

Trên thị trường tự nguyện mở cửa cho bất kỳ nhà đầu tư nào có dự án, như năng lượng tái tạo hoặc xử lý nước thải, các dự án xanh, miễn là dự án của doanh nghiệp sử dụng công nghệ có khả năng giảm phát thải khí nhà kính, các tín chỉ các-bon này có thể bán hoặc giao dịch trên thị trường. Nhà nước cần thiết lập những tiêu chuẩn để hỗ trợ việc đăng ký các dự án này, nhằm tạo ra một tiêu chuẩn đồng nhất về chất lượng. Do đó, doanh nghiệp cần phân biệt rõ giữa các loại hạn ngạch và tín chỉ.

Nâng cao nhận thức về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thị trường các-bon tại Việt Nam.

Xin bà cho biết, Việt Nam có những tiềm năng như thế nào trong việc phát triển tín chỉ các-bon, và đến nay, các lĩnh vực nào đang có sự tham gia nhiều nhất?

Bà Đặng Hồng Hạnh: Tín chỉ các-bon không phải là điều mới mẻ ở Việt Nam, chúng ta đã tham gia cơ chế phát triển sạch từ sớm và đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án đăng ký theo cơ chế này. Từ năm 2006 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt cơ hội, phát triển trên thị trường tự nguyện, phục vụ thị trường quốc tế. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có khả năng tạo ra tín chỉ lớn. Trước đây, chúng ta tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đây cũng là nguồn tín chỉ đã được giao dịch chủ yếu.

Hiện nay, các hoạt động liên quan đến rừng, như hấp thụ, bảo vệ rừng cũng có thể tạo ra nguồn tín chỉ lớn. Cùng với đó, những hoạt động khác như chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp, xử lý chất thải… cũng có thể tạo ra tín chỉ các-bon được thúc đẩy từ nhu cầu quốc tế. Trong khi đó, thị trường tín chỉ trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu từ thị trường bắt buộc (phân bổ hạn ngạch phát thải), cũng như nhu cầu tự nguyện từ các doanh nghiệp.

Hiện tại, chưa có đánh giá toàn diện về nhu cầu tín chỉ để phục vụ cho thị trường bắt buộc hay xác định tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ quy định giảm phát thải. Mặc dù tiềm năng của Việt Nam đã được hiện thực hóa trong quá khứ thông qua các cơ chế tín chỉ quốc tế. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, các quy định cho thị trường tín chỉ trong nước sẽ rõ ràng và cụ thể hơn. Điều này sẽ tạo ra tín hiệu thị trường khả thi hơn.

Quy trình để nhận được tín chỉ, đảm bảo rất nhiều tiêu chí khác nhau và chặt chẽ, đòi hỏi thời gian, tiền bạc và chi phí cho các bên thẩm định và tư vấn.

Quy trình để tạo ra tín chỉ các-bon từ các hoạt động giảm phát thải có những yêu cầu gì thưa bà?

Bà Đặng Hồng Hạnh: Sau khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực, nhận thức về thị trường tín chỉ các-bon đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, có một xu hướng nhầm lẫn là nhiều người nghĩ rằng bất kỳ hoạt động giảm phát thải nào cũng có thể tạo ra tín chỉ và bán được. Thậm chí, có thông tin sai lệch cho rằng nông dân chỉ cần “ngủ qua đêm” là có tiền từ bán tín chỉ.

Tuy nhiên, thực tế để có được tín chỉ các-bon và thương mại được, thì hoạt động dự án giảm phát thải phải được đăng ký theo tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chuẩn này yêu cầu có xác nhận từ bên thứ ba độc lập được thế giới công nhận. Quy trình để nhận được tín chỉ, đảm bảo rất nhiều tiêu chí khác nhau và chặt chẽ, đòi hỏi thời gian, tiền bạc và chi phí cho các bên thẩm định và tư vấn.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp có tiềm năng, để tạo ra tín chỉ từ rừng hay bất kỳ dự án nào khác, cần có một quy trình phức tạp và tốn kém. Thông thường, thời gian để đăng ký và phát hành tín chỉ là từ 1,5 – 2 năm. Điều này cho thấy không thể có tín chỉ ngay lập tức, vì vậy các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc khi phát triển dự án phải đủ quy mô để bù đắp cho chi phí.

Đối với các hoạt động từ rừng, có nhiều cách hiểu sai về khả năng tạo tín chỉ. Thực tế, các hoạt động như bảo vệ, tái trồng rừng có thể tạo tín chỉ, nhưng chúng phải tuân theo các tiêu chí khắt khe để đảm bảo tính bền vững. Ví dụ, nếu kéo dài thời gian khai thác từ 5 năm lên 10 năm, tín chỉ chỉ có thể tạo ra từ sự chênh lệch thời gian đó, nhưng nếu trong quá trình đó rừng bị thiệt hại, tín chỉ sẽ không bền vững.

Việt Nam hiện chưa có dự án nào đăng ký tín chỉ từ rừng theo tiểu chuẩn quốc tế. Các dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới chỉ dừng lại ở hoạt động giảm phát thải giữa hai bên thỏa thuận, không phải là tín chỉ chuẩn quốc tế. Việc so sánh giá tín chỉ của các dự án này với các tín chỉ thương mại của EU là không chính xác, ví như chung ta so sánh chuối với nho được trồng với tiêu chí khắt khe để xuất khẩu. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về cơ hội và tiếp cận thông tin chính xác để không bỏ lỡ cơ hội và khai thác hiệu quả tiềm năng.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đông Nghi – Doanh nghiệp kinh tế xanh

 422 views,  27 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *