Ngày 09 tháng 6 năm 2025, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 119/2025/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Những điều chỉnh này không chỉ thể hiện cam kết ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn đặt nền móng pháp lý vững chắc cho việc vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia vào các cơ chế tín chỉ quốc tế theo Thỏa thuận Paris.
1. Điều chỉnh quan trọng đối với thị trường các-bon trong nước
Nghị định số 119/2025/NĐ-CP đưa ra nhiều điều chỉnh về cấu trúc và thủ tục nhằm hỗ trợ quá trình triển khai hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) tại Việt Nam:
-
Thu hẹp phạm vi tham gia thị trường: Nếu trước đây, tất cả các cơ sở có nghĩa vụ kiểm kê KNK đều có thể tham gia thị trường, thì hiện nay chỉ các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải mới được phép giao dịch.
-
Thiết lập Hệ thống đăng ký các-bon quốc gia: Nghị định yêu cầu xây dựng một hệ thống đăng ký thống nhất nhằm đảm bảo minh bạch, truy xuất nguồn gốc và quản lý hiệu quả tín chỉ các-bon và hạn ngạch phát thải.
-
Lùi thời điểm vận hành chính thức thị trường: Theo kế hoạch điều chỉnh, thị trường các-bon sẽ bước vào giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029, sau giai đoạn chuẩn bị và thí điểm từ 2025–2028.
-
Phân bổ hạn ngạch theo 3 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm (2025–2026) áp dụng cho các ngành như điện, xi măng, thép; các giai đoạn tiếp theo (2027–2028 và 2029–2030) sẽ do các bộ ngành đề xuất và Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố danh sách cơ sở và hạn ngạch.
2. Tăng cường hệ thống MRV và linh hoạt hóa cơ chế thị trường
Nghị định mới phân rõ trách nhiệm giữa các bộ ngành và chính quyền địa phương trong việc giám sát, báo cáo và thẩm định (MRV). Đặc biệt, lần đầu tiên UBND cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tổng hợp kết quả giảm nhẹ KNK tại địa phương. Ngoài ra:
-
Tăng tỷ lệ bù trừ tín chỉ từ 10% lên 30%, tạo dư địa lớn hơn cho cơ sở phát thải thực hiện nghĩa vụ thông qua cơ chế các-bon.
-
Bổ sung cơ chế vay trước 15% hạn ngạch, tạo tính linh hoạt trong quá trình thực hiện nghĩa vụ phát thải của các cơ sở.
3. Nền tảng pháp lý cho tham gia thị trường các-bon quốc tế
Một điểm nhấn đáng chú ý là việc thể chế hóa các quy định liên quan đến Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Nghị định quy định:
-
Định nghĩa và quy trình rõ ràng cho các hoạt động theo Điều 6.2 (hợp tác song phương) và Điều 6.4 (cơ chế do UNFCCC giám sát).
-
Cơ chế phê duyệt dự án, chuyển tiếp từ cơ chế CDM, và thủ tục chuyển giao tín chỉ các-bon ra quốc tế.
Đây là bước đi quan trọng để Việt Nam không chỉ tham gia mà còn chủ động điều phối các hoạt động giao dịch tín chỉ trên thị trường quốc tế trong tương lai.
4. Điều chỉnh cơ quan quản lý thị trường các-bon
Theo cải cách cơ cấu tổ chức, chức năng quản lý thị trường các-bon được chuyển từ Bộ Tài nguyên và Môi trường sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường – cơ quan mới hình thành từ việc sáp nhập giữa hai bộ. Việc tái cấu trúc này nhằm nâng cao hiệu quả điều phối chính sách và đơn giản hóa đầu mối quản lý.
5. Hoàn thiện hệ thống công cụ hỗ trợ triển khai
Nghị định cũng cập nhật phụ lục kỹ thuật và biểu mẫu phục vụ việc phân bổ hạn ngạch, đăng ký tín chỉ, đồng thời bổ sung danh mục hoạt động giảm nhẹ được ưu tiên cho chuyển giao quốc tế, góp phần chuẩn hóa quá trình thực hiện và đảm bảo phù hợp với thông lệ toàn cầu.
Nguồn: Nguyễn Hồng Loan (GreenCIC)
76 views, 32
Tags:
Bài viết liên quan