Net Zero – Gửi tương lai: Đại diện VNEEC hỗ trợ thực hiện chương trình nhiễu loạn thông tin về tín chỉ các-bon

17-07-2024

 1,735 views

 1,735 views

Số thứ ba của chương trình “Net Zero – Gửi tương lai” đã phát sóng vào lúc 20:30 tối ngày 16/7/2024 trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam. Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), Bà Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành VNEEC, tham gia chương trình nhằm giúp làm rõ các thông tin nhiễu loạn về tín chỉ các-bon.

“Net Zero – Gửi tương lai” là chương trình được phát triển từ Tạp chí kinh tế cuối năm – Net Zero của Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam. Với chủ đề Gửi tương lai, chương trình tạo điểm nhấn bằng cách lồng ghép khéo léo nội dung và thông điệp xoay quanh Net Zero và biến đổi khí hậu, cùng sân khấu đồ họa bắt mắt, mang lại trải nghiệm mới sống động cho khán giả.

Trong quá trình xây dựng số thứ ba này, ekip của VTV đã có các buổi trao đổi với VNEEC để hiểu chuẩn xác các khái niệm xoay quanh tín chỉ các-bon. Sau đó bằng lối dẫn dắt và minh hoạ hình ảnh đầy sáng tạo, các khái niệm và nội dung trừu tượng được giải thích, làm rõ theo cách dễ hiểu cho công chúng.

Tại số thứ 3 với chủ đề trọng tâm là Nhiễu loạn thông tin về tín chỉ các-bon, chương trình mở đầu bằng cách ví von “tín chỉ các-bon” như những kho báu khổng lồ nằm ẩn sâu trong các khu rừng, trên những cánh đồng, giữa các dự án năng lượng tái tạo. Để mở được cánh cửa mang được kho báu này về, điều cần làm là phải đọc đúng câu thần chú. Xuyên suốt số thứ 3, chương trình dẫn dắt người xem đi tìm câu thân chú ấy với những lồng ghép khéo léo, giúp người xem hiểu rõ hơn về tín chỉ các-bon, cách thị trường các-bon hoạt động, và giải đáp các thông tin nhiễu loạn liên quan.

Để làm rõ thông tin gây nhiễu đầu tiên – liệu cứ có rừng, có lúa, có cây là sẽ có tín chỉ các-bon hay không – chương trình đã tóm tắt trong 03 hashtags chính:


Tín chỉ các-bon = Dự án giảm phát thải + Thời gian + Chi phí


Ở thông tin gây nhiễu số hai – liệu có phải chỉ có một loại tín chỉ các-bon hay không – chương trình đã khéo léo so sánh tín chỉ các-bon với một rổ trứng đa dạng loại trứng bên trong. Trong đó, trứng gà cũng chia thành trứng gà công nghiệp và trứng gà ta. Cách so sánh trực quan này giúp người xem dễ dàng hiểu rằng trên thực tế, có nhiều loại hình dự án giảm phát thải tạo ra tín chỉ các-bon khác nhau, như dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, giảm phát thải trong nông nghiệp chăn nuôi, dự án liên quan đến rừng và sử dụng đất, v.v.

Để giải thích thêm về nguồn của tín chỉ các-bon và liệu chất lượng của chúng có đồng nhất với nhau hay không, VTV1 và BTV Ngọc Trinh đã có buổi phỏng vấn với bà Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành VNEEC.

Bà Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành
Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC)

  • Câu hỏi: Tại sao lại có nhiều loại tín chỉ các-bon ở trên thị trường mà không chỉ có một loại?

Trả lời: Để tạo ra tín chỉ các-bon, chúng ta phải đăng ký với các cơ chế tín chỉ khác nhau được thừa nhận trên thế giới. Hiện nay có hơn 40 cơ chế tín chỉ các-bon khác nhau, chưa kể đến các cơ chế của từng quốc gia, khu vực. Trong số đó, có khoảng 170 loại hình tín chỉ khác nhau cho từng lĩnh vực, như giao thông, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, trồng rừng, v.v. Mỗi cơ chế đều có chất lượng và tiêu chuẩn riêng.

  • Câu hỏi: Là đại diện một đơn vị đóng góp 1/3 các thương vụ thành công về mua bán tín chỉ các-bon tại Việt Nam, theo quan sát của chị, loại hình tín chỉ các-bon nào phổ biến nhất tại Việt Nam?

Trả lời: Các dự án giảm phát thải từ năng lượng tái tạo vẫn là nguồn tạo ra tín chỉ các-bon lớn nhất tại Việt Nam, chiếm gần 60% tổng lượng tín chỉ, chủ yếu từ các loại hình như thủy điện, điện gió, và điện mặt trời.

Đứng thứ hai là dự án thu hồi khí đồng hành từ mỏ Rạng Đông, chiếm 18% lượng tín chỉ, tuy nhiên dự án này đã dừng hoạt động. Loại hình dự án xử lý rác thải chiếm khoảng 15%.

Bà Hạnh cho biết thêm, giá của tín chỉ các-bon từ dự án năng lượng tái  tạo giao động từ khoảng 0,2-5 USD/tín chỉ. Giá tín chỉ các-bon từ dự án dựa trên giải pháp tự nhiên như trồng rừng, giảm khí mê-tan giao động ở mức cao hơn, khoảng 4-15 USD/tín chỉ.

  • Câu hỏi: Chúng ta đã nói về câu chuyện của người bán, giờ hãy chuyển sang câu chuyện của người mua. Các doanh nghiệp hay tập đoàn muốn mua tín chỉ các-bon có cơ sở nào để lựa chọn loại hình tín chỉ trong số 170 loại hình tín chỉ đó không?

Trả lời: Người mua rất quan tâm đến nguồn gốc của tín chỉ. Khi người bán chào bán bất kỳ loại dự án nào, thông tin chi tiết về dự án tạo ra tín chỉ ấy phải rõ ràng và duy nhất, bao gồm cả tác động tích cực của dự án đối với địa phương, quốc gia và khu vực. Các doanh nghiệp thường mong muốn sử dụng tín chỉ chất lượng cao để bù trừ cho phát thải của mình, vì điều này không chỉ giúp họ đạt mục tiêu môi trường mà còn nâng cao danh tiếng của họ.

Có thể thấy, giá trị của tín chỉ các-bon không chỉ nằm ở câu chuyện giảm phát thải và trách nhiệm, mà còn nằm ở khả năng thể hiện tầm nhìn của chủ doanh nghiệp ngay từ bước đầu phát triển dự án.

Với thời lượng khoảng 25 phút mỗi tuần, chương trình mang đến cho khán giả những câu chuyện về Net Zero một cách gần gũi và dễ hiểu. Trong năm nay, 52 số sẽ được phát sóng, hứa hẹn mang đến nhiều điểm mới lạ, vừa mang tính thời sự vừa chứa đựng những giá trị nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến Net Zero.

 1,736 views,  2 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *