Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu Châu Á 2024 (Asia Climate Summit 2024) diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ từ ngày 22-24/10, bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), đã tham gia hai sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hành động khí hậu thông qua thị trường các-bon.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị (22/10/2024), bà Hạnh đã tham gia cuộc đối thoại đặc biệt “Carbon Market Dialogue” được điều phối bởi Đối tác hành động các-bon quốc tế (ICAP), Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI) và Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF). Tại cuộc đối thoại, các chuyên gia đã thảo luận về vai trò của công cụ định giá các-bon như một công cụ chính sách mạnh mẽ, có khả năng khuyến khích giảm phát thải hiệu quả về mặt chi phí trong các lĩnh vực khác nhau. Cuộc đối thoại tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các rào cản chung và xác định các giải pháp thực tiễn trong việc phát triển và triển khai Hệ thống trao đổi Hạn ngạch phát thải (ETS) trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), phát biểu tại Hội nghị
Tại Phiên I của cuộc đối thoại: “Đi sâu vào thiết lập hạn mức và vai trò của Hệ thống trao đổi Hạn ngạch phát thải (ETS) trong việc đạt mục tiêu NDC”, bà Hạnh đã chia sẻ quan điểm từ góc độ Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng hạn mức tuyệt đối (absolute cap) cho ETS sắp tới. Bà nhấn mạnh rằng việc lựa chọn này không chỉ dựa vào mục tiêu phát triển bền vững mà còn nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Bà cũng trao đổi về những thách thức trong quá trình thiết lập hạn mức (cap-setting), bao gồm việc đảm bảo sự phù hợp với các mục tiêu NDC và các giải pháp để vượt qua những thách thức đó, đồng thời đưa ra các kế hoạch cụ thể nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực có khả năng xảy ra đến tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Phiên thảo luận này tập trung vào các phương pháp thiết lập mục tiêu giảm phát thải dựa trên cường độ và hạn mức tuyệt đối trong ETS, cũng như các thách thức và giải pháp chính. Phiên họp cũng bàn về việc điều chỉnh hạn mức của ETS sao cho phù hợp với các mục tiêu NDC, cùng với các chiến lược phân bổ gánh nặng giữa các ngành trong và ngoài ETS.
Vào ngày thứ ba của Hội nghị (24/10/2024), bà Hạnh là diễn giả tham dự diễn đàn do Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang của Đức (BMWK) cùng Tập đoàn Khí hậu Perspectives phối hợp tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy Chuyển đổi năng lượng qua các Thị trường các-bon quốc tế”. Tại diễn đàn này, bà Hạnh đã trình bày về “Thị trường các-bon quốc tế đóng vai trò xúc tác trong việc tài trợ tăng cường lưới điện trong Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)”. Trong phần trình bày, bà làm nổi bật vai trò của tài chính các-bon trong JETP, nhấn mạnh tầm quan trọng của huy động vốn để cải thiện cơ sở hạ tầng truyền tải điện, cũng như thúc đẩy chuyển đổi sớm các nhà máy điện than thông qua kết hợp năng lượng tái tạo và cải thiện lưới điện. Bà cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của chính sách hỗ trợ và cơ chế tài chính trong việc tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các cơ chế tài chính các-bon nhằm triển khai các giải pháp năng lượng bền vững, đóng góp vào mục tiêu Net-zero của Việt Nam.
Ảnh: Các khách mời tham dự diễn đàn
Hội nghị Asia Climate Summit 2024 không chỉ là nơi tập hợp các nhà lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khí hậu mà còn mở ra những cơ hội quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác và phát triển các giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó với BĐKH tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện này đã khuyến khích việc trao đổi thông tin, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của thị trường các-bon và tạo cơ hội cho các bên tham gia thiết lập quan hệ đối tác mới.
15 views, 15
Tags:
Bài viết liên quan