Ngày 15/03, tại TP.Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ dự án SPI-NDC (Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) tài trợ, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tập huấn về “Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống”, thu hút đông đảo sự quan tâm chú ý của các doanh nghiệp và cán bộ trong ngành. VNEEC – là đơn vị tư vấn của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức và cung cấp chuyên gia cho Hội thảo tập huấn. Đây là Hội thảo tập huấn nằm trong chuỗi đạo tạo về Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK cho các doanh nghiệp trong dự án SPI-NDC (Hội thảo tập huấn lần đầu cho ngành xi măng – link xem ).
Tại Hội thảo tập huấn này, ông Nguyễn Tuấn Quang – phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã giới thiệu lộ trình giảm phát thải quốc gia nhằm đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành đã đưa ra các yêu cầu về kiểm kê và báo cáo phát thải và giảm phát thải KNK cho các doanh nghiệp. Theo đó, các cơ sở phát thải lớn theo Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê KNK của năm 2022 trước ngày 31/3 của năm 2023.
Ngành thực phẩm và đồ uống đóng góp vào 15,8% tổng GDP toàn quốc và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (35%), đồng thời ngành này có gần 200 doanh nghiệp trong số 1912 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện quy định mới này do còn thiếu kiến thức và chuyên gia về kiểm kê và giảm phát thải KNK. Theo ý kiến của đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp và các Sở chủ quản tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình cung cấp số liệu hoạt động và thực hiện kiểm kê KNK do thiếu các hướng dẫn và quy định cụ thể cho các ngành.
Ông Nguyễn Tuấn Quang – phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu
Hội thảo tập huấn đã cung cấp các khung pháp lý liên quan đến báo cáo cũng như quy trình kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thực phẩm & đồ uống – là một ngành rất đa dạng với nhiều các tiểu ngành nhỏ.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp đi đầu với các hoạt động và sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải KNK trong ngành như Coca-Cola, Heineken, GreenFeed đã chia sẻ các thực hành tốt cũng như các thách thức cho doanh nghiệp để áp dụng các sáng kiến hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của quốc gia. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đông đảo từ các doanh nghiệp trong ngành và các viện, hiệp hội, trung tâm nghiên cứu với gần 300 đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Dưới sự dẫn dắt và hướng dẫn của các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản, các đại biểu tham gia đã được cung cấp kiến thức và các công cụ tính quán liên quan đến kiểm kê, giảm nhẹ phát thải KNK đồng thời được trực tiếp thực hành tính toán giả định dựa trên công cụ để có thể nắm được kiến thức một cách trực quan.
Các đại biểu làm bài tập thực hành kiểm kê KNK
Các đại biểu tham gia Hội thảo tập huấn đã phản hồi tích cực về sự hữu ích của chương trình đào tạo để đáp ứng các chế độ báo cáo được quy định đồng thời đưa các ý kiến về khó khăn của các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện kiểm kê và giảm phát thải KNK. Những ý kiến này sẽ góp phần hoàn thiện các chương trình tập huấn tương tự cho các ngành khác trong tương lai.
3,532 views, 2
Tags:
Bài viết liên quan