HỘI THẢO TẬP HUẤN “KIỂM KÊ VÀ THỰC HIỆN GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TRONG LĨNH VỰC DỆT MAY”

09-11-2023

 3,343 views

 3,343 views

Ngày 08/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ dự án SPI-NDC (Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) tài trợ, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tập huấn về “Kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực dệt may”. Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) – đơn vị tư vấn của Dự án đã phối hợp tổ chức Hội thảo tập huấn này. Đây là Hội thảo nằm trong chuỗi đào tạo về Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cho các doanh nghiệp của dự án SPI-NDC (Tiếp nối các hội thảo tập huấn cho ngành xi măng, thực phẩm & đồ uống, quản lý chất thải, sản xuất giấy và bột giấy).

Tại Hội thảo tập huấn, ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – cho biết: Ngành dệt may đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 371,30 tỷ USD, trong đó xuất khẩu dệt may chiếm 10%. Bên cạnh đó, lĩnh vực dệt may có đóng góp nhiều tới giải quyết việc làm cho lao động phổ thông – lực lượng lớn trong thị trường lao động. Ngành dệt may được đặt mục tiêu và kỳ vọng trở thành ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế theo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Ngành công nghiệp thời trang được ước tính đóng góp từ 6 đến 10% lượng phát thải KNK toàn cầu, tương đương với khoảng 1,7 tỷ tấn các-bon. Do sự tăng trưởng trong nhu cầu về quần áo và sự phổ biến của trào lưu “thời trang nhanh”, dự đoán rằng đến năm 2050, ngành công nghiệp thời trang có thể chiếm tới 25% tổng lượng khí thải các-bon trên toàn cầu. Ông Nguyễn Tuấn Quang nhận định: việc kiểm kê KNK trong lĩnh vực dệt may và đề xuất giải pháp giảm phát thải là việc làm cần thiết, giúp các doanh nghiệp phần nào bắt kịp xu thế thị trường, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng. Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy việc thực hiện COP26, yêu cầu sự hợp tác từ các bộ, ngành, sản xuất trong mọi lĩnh vực nhằm thực hiện các cam kết quốc gia đã đưa ra. Để giảm áp lực đối với doanh nghiệp, các bộ ngành, cơ quan, tổ chức sẽ hỗ trợ ban đầu cho việc triển khai thực hiện các nghĩa vụ và yêu cầu báo cáo mới liên quan đến kiểm kê phát thải và giảm phát thải KNK, đó cũng là mục đích chính của Hội thảo tập huấn này.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 07/01/2022 đã đưa ra lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may. Việc cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê KNK của cơ sở với thời hạn báo cáo đầu tiên từ tháng 3/2025, doanh nghiệp sẽ phải gửi số liệu tới các cơ quan quản lý, đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK.

Ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng Dự án SPI-NDC phát biểu tại hội thảo

Theo ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng Dự án SPI-NDC, với định hướng mở rộng xuất khẩu của ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hiện hữu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang đứng trước áp lực từ các nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng trong vấn đề chứng minh sản phẩm của mình phù hợp với các yêu cầu về phát triển bền vững, đáp ứng bộ chỉ số “Môi trường – Xã hội – Quản trị”, giảm phát thải KNK. Việc ngành dệt may chuyển sang trở thành ngành công nghiệp xanh, khử các-bon sẽ góp phần vào mục tiêu khí hậu chung của Việt Nam, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Hội thảo tập huấn, Bà Đặng Hồng Hạnh – Chuyên gia kỹ thuật Dự án SPI-NDC chia sẻ: Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ tư trên thế giới, với các thị trường chủ lực là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và EU. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020 là gần 38 tỷ USD. Hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê KNK theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn (Danh mục trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 18/01/2022).

Tại Hội thảo đào tạo, các đại biểu tham gia đã được cung cấp kiến thức liên quan đến kiểm kê, giảm nhẹ phát thải KNK trực tiếp trong ngành dệt may và kiến thức tổng quan về thị trường các-bon. Đồng thời các đại biểu được thực hành tính toán giả định dựa trên công cụ tính toán được chuẩn hoá để nắm được kiến thức một cách trực quan được xây dựng phù hợp cho đặc thù của ngành dệt may. Qua thực hành, các đại biểu đánh giá cao các công cụ này vì tính hữu ích và giao diện thân thiện, dễ sử dụng với người dùng, sẽ góp phần vào việc tăng cường năng lực và sự sẵn sàng cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may nhằm thực hiện các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến phát thải KNK theo quy định của pháp luật và chuẩn bị cho lộ trình cắt giảm phát thải nhằm thực hiện được những mục tiêu của doanh nghiệp, ngành và quốc gia.

Cũng tại Hội thảo đào tạo, các chuyên gia dự án đã khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần sớm có kế hoạch và triển khai sớm các hoạt động kiểm kê KNK và giảm phát thải để chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu và các chính sách khí hậu quốc gia mới được ban hành nhằm giảm các ảnh hưởng tiêu cực và khai thác các cơ hội từ thị trường các-bon trong thời gian tới.

 3,344 views,  2 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *