Chiều ngày 11/5, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) và các đối tác thực hiện dự án khác đã tổ chức thành công “Hội thảo nghiên cứu xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia”.
Theo số liệu Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, ước tính Việt Nam sẽ thiệt hại hơn 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó, tổn thất đối với ngành làm mát là 518 triệu USD. Đồng thời ngành làm mát là nguồn phát thải khí nhà kính tương đối lớn do tiêu thụ điện năng và là một trong các nguồn phát thải các chất làm suy giảm tầng ozone lớn nhất vào bầu khí quyển trái đất.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc làm mát gián tiếp góp phần gây ra biến đổi khí hậu bằng cách tăng nhu cầu sử dụng điện (phần lớn vẫn được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch) và thông qua việc rò rỉ các chất gây suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính, vốn có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với phát thải CO2. Nếu không được kiểm soát, lượng khí thải từ quá trình làm mát dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba lần vào năm 2100.
Ông John Robert Cotton, Giám đóc quản lý Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á
phát biểu tại Hội thảo
Ông John Robert Cotton, Giám đóc quản lý Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á, nhấn mạnh rằng trọng tâm của dự án là hiệu quả năng lượng hiệu quả (EE), vì vậy chương trình được thiết kế nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đây là cơ hội tốt để Việt Nam thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Bên cạnh đó, Dự án cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam ở các khía cạnh khác như việc làm, phúc lợi và phát triển kinh tế.
Cụ thể hơn, mục đích của dự án là nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để đánh giá hiện trạng bao gồm công nghệ hiện có, tình hình thị trường và các chính sách quốc tế/quốc gia đối với lĩnh vực làm mát tại Việt Nam. Từ đó xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia toàn diện với lộ trình thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh sang công nghệ các-bon thấp, tăng cường tiết kiệm năng lượng và loại trừ dần các chất ODS và HFC trong toàn bộ ngành làm mát, góp phần hướng tới đạt được các mục tiêu đưa ra trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) mới nhất vào năm 2030.
Vì vậy, các kết quả của hoạt động nghiên cứu này sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cuối năm 2023.
Tại hội thảo, Đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã có sự chia sẻ về các nội dung quan trọng liên quan đến việc cập nhật quy định pháp luật của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn. Tiếp đó Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cũng đã rà soát các quy định và chính sách liên quan đến hiệu suất năng lượng của các thiết bị lạnh và điều hòa không khí, cùng với đó giới thiệu hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng của máy lạnh và điều hòa không khí. Ngoài ra, nhóm tư vấn đã giới thiệu các hoạt động nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu nhằm xây dựng Chương trình làm mát quốc gia và kế hoạch thực hiện dự án. Chuyên gia quốc tế đồng thời là trưởng nhóm tư vấn cũng đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Trong phần cuối của hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề của hội thảo và đã đưa ra được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho dự án.
Các Đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo đã thành công thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp, cùng các ngân hàng, hiệp hội, các viện/trường nghiên cứu trong và ngoài nước cả tiếp tuyến lẫn trực tuyến. Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang khẳng định rằng sự quan tâm này cho thấy lĩnh vực làm mát có tầm quan trọng lớn trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiệm vụ đảm bảo làm mát cho người dân đồng thời giảm lượng khí thải là một thách thức không thể phủ nhận. Ông cũng đưa ra một số đề xuất tập trung vào một số khía cạnh chính. Thứ nhất, cần phải rà soát lại các nhiệm vụ của dự án để tránh bất kỳ sự chồng chéo nào với các dự án liên quan đến làm mát khác. Thứ hai, có một kế hoạch để phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chuyên gia có liên quan, từ đó có được dữ liệu chính xác và đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực phức tạp này. Thứ ba, cần có một kế hoạch làm việc chi tiết phác thảo các sản phẩm và một mốc thời gian chặt chẽ, cũng như nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa các đối tác dự án để ngăn chặn bất kỳ sự chậm trễ nào. Cuối cùng, điều cấp thiết là phải đẩy nhanh các hoạt động của dự án, tạo ra các đầu vào cần thiết cho Kế hoạch Quốc gia về Quản lý và Loại bỏ dần các chất bị kiểm soát vào tháng 11 năm nay. Thời gian là điều cốt yếu và tiến độ nhanh là quan trọng để đáp ứng các mục tiêu này.
Bùi Huyền Thương
2,705 views, 2
Tags:
Bài viết liên quan