Dự án Năng lượng bền vững cho hoạt động sấy nông sản tại tỉnh Thái Nguyên do VNEEC đang phát triển theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard) được lựa chọn để giúp Global Impact Summit 2025 trở thành sự kiện trung hòa các-bon

05-04-2025

 103 views

 103 views

Hội nghị Global Impact Summit (GIS) 2025 do tổ chức Young Presidents’ Organisation (YPO) tổ chức đã diễn ra tại Hội An, Quảng Nam từ ngày 2-4/4/2025. Ban tổ chức có tham vọng đưa GIS là sự kiện trung hòa các-bon. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ban tổ chức đã lựa chọn Dự án tín chỉ “Năng lượng bền vững cho hoạt động sấy nông sản tại tỉnh Thái Nguyên” (Dự án Năng lượng bền vững) do Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) đang phát triển, làm dự án bù trừ các-bon cho các đại biểu tham dự sự kiện.

Đồng thời tại sự kiện này YPO cũng ra mắt công cụ tính toán phát thải các-bon từ hoạt động tổ chức sự kiện và di chuyển của đại biểu. Công cụ này cho phép đại biểu tự ước tính lượng phát thải từ chuyến bay và các hoạt động liên quan, từ đó lựa chọn bù trừ tự nguyện thông qua Dự án Năng lượng bền vững.

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị YPO Global Summit 2025

Được thành lập năm 1950 tại Hoa Kỳ, YPO là cộng đồng lãnh đạo toàn cầu lớn nhất với 34.000 giám đốc điều hành tại 150 quốc gia. Tại Việt Nam, YPO được thành lập năm 1996 và hiện có 57 thành viên doanh nhân trẻ dưới 45 tuổi, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và xã hội. Sự kiện lần này thu hút sự tham gia của các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập YPO, nơi các nhà lãnh đạo sẽ chia sẻ những chiến lược về giảm phát thải các-bon, phát triển bền vững, và tạo ra những bước tiến trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tại hội nghị, bà Đặng Hồng Hạnh – Giám đốc điều hành VNEEC và ông Nguyễn Hồng Long – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) đã giới thiệu dự án tại Thái Nguyên với các đại biểu quốc tế. 

Dự án Năng lượng bền vững là một hoạt động thành phần thuộc “Chương trình Năng lượng bền vững cho hoạt động đun nấu và sấy tại Việt Nam”, được VNEEC phát triển theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard). Dự án ứng dụng công nghệ bếp sấy sử dụng khí hóa sinh khối liên tục (VCBG), tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông – lâm nghiệp như cành keo, cành quế, lõi ngô, mùn cưa… để tạo ra khí sạch dùng trong quá trình sấy nông sản và sản xuất than sinh học có giá trị tái sử dụng cao. 

Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành của VNEEC và ông Nguyễn Hồng Long – Giám đốc CCS giới thiệu về dự án

Với thiết kế hướng đến phát triển toàn diện, dự án mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế, sức khỏe, môi trường, đóng góp tích cực cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Cụ thể: SDG 13 – Hành động vì khí hậu: mỗi bếp cải tiến giúp cắt giảm khoảng 12 tấn CO₂ mỗi năm, với tiềm năng đạt tổng mức giảm phát thải lên tới 60.000 tCO₂e hàng năm. SDG 7 – Năng lượng sạch với chi phí hợp lý: cung cấp giải pháp tiết kiệm nhiên liệu cho người dân nông thôn, giúp giảm tới 60%–85% chi phí so với sử dụng than, củi hoặc LPG. SDG 4 – Giáo dục chất lượng: nâng cao năng lực người dân thông qua các chương trình đào tạo và hướng dẫn sử dụng, vận hành thiết bị hiệu quả. SDG 8 – Việc làm và tăng trưởng kinh tế: thúc đẩy sản xuất thiết bị trong nước, tạo công ăn việc làm tại chỗ, gia tăng thu nhập và đóng góp vào ngân sách địa phương. SDG 15 – Tài nguyên và môi trường trên đất liền: giảm áp lực khai thác rừng, hỗ trợ phục hồi tài nguyên thiên nhiên và hạn chế suy thoái môi trường đất thông qua việc giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh khối truyền thống.

Ảnh: Chứng chỉ bù trừ các-bon được cấp cho đại biểu tham dự

Ảnh: Đại biểu tham gia sẽ nhận được chứng nhận bù trừ và quà tặng là sản phẩm chè khô được sấy bằng bếp VCBG 

Chủ tịch YPO toàn cầu, ông Sofyan Almoayed, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hợp tác với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới để chia sẻ những thông lệ tốt nhất về chiến lược phát thải ròng bằng 0, đo lường lượng phát thải các-bon và đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.” Ông cũng khẳng định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, và việc hỗ trợ các dự án bền vững là một phần trong cam kết hành động. Việc dự án năng lượng bền vững tại Thái Nguyên được chọn hỗ trợ tại GIS 2025 không chỉ phản ánh nỗ lực của VNEEC trong lĩnh vực môi trường mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong các sáng kiến khí hậu toàn cầu.

 104 views,  26 

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *