Dấu chân các-bon (carbon footprint) và lợi ích đối với doanh nghiệp khi thực hiện

21-03-2022

 9,884 views

 9,884 views

Luật Bảo Vệ Môi trường 2020 cùng với Nghị định 06/2022/ND-CP của Chính phủ và Quyết định 01/2022/QD-TTg đã xác định 1.912 cơ sở phát thải khí nhà kính (KNK) trên cả nước thuộc danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2025 (cho năm cơ sở 2024 trở đi). Từ năm 2006 đến nay, trên thế giới đã có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai các chương trình dán nhãn dấu chân các-bon tự nguyện lên sản phẩm tiêu dùng[1]. Ngày 14 tháng 7 năm 2021, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) trong đó yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa của EU phải công bố lượng phát thải trong các sản phẩm nhập nhẩu của mình cũng như mua và giao  nộp lượng chứng chỉ CBAM tương ứng mỗi năm[2]. Do vậy, việc tiếp cận và thực hiện carbon footprint rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích đối với các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng tại Việt Nam.

Carbon footprint hay dấu chân các-bon mô tả tổng lượng khí thải các-bon đi-oxit (CO2) và các khí nhà kính (KNK) khác của một sản phẩm, một cá nhân hoặc tổ chức (đơn vị thường là tấn CO2 tương đương). Tuy vậy, dấu chân các-bon có định nghĩa, cách ước tính khác nhau cho từng quy mô.

Đối với một cá nhân, dấu chân các-bon bao gồm tổng cộng lượng phát thải từ các hoạt động hằng ngày, ví dụ như, từ sản phẩm tiêu dùng, sử dụng điện, sử dụng phương tiện giao thông, chế độ ăn uống. Hiện có rất nhiều công cụ trực tuyến giúp người dùng có thể ước tính được lượng phát thải KNK của mình, bắng cách trả lời một bài khảo sát đơn giản (ví du: công cụ của WWF[3]). Dấu chân các-bon trung bình của một người trên thế giới vào khoảng trên 4 tấn CO2 tương đương trên 1 năm[4].  Kết quả từ những công cụ như trên sẽ giúp người dùng xác định được ảnh hưởng của mình tới môi trường để thay đổi phong cách sống thân thiện với môi trường hơn. Một số công cụ còn đưa ra phương án để người dùng có thể bù trừ (offset) dấu chân các-bon của mình bằng cách đầu tư vào các dự án giảm nhẹ hoặc hấp thụ KNK.

Đối với một sản phẩm, dấu chân các-bon sẽ bao gồm tất cả lượng phát thải KNK của sản phẩm đó bắt đầu từ lúc là nguyên liệu thô, cho đến quá trình sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng và vứt bỏ, hay còn gọi là from cradle to grave[5]. Để tính toán được dấu chân các-bon cho 1 sản phẩm, cách tiếp cận Đánh Giá Vòng Đời (LCA) thường được sử dụng để ước tính lượng phát thải trong từng quá trình trong vòng đời của sản phẩm, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ISO 14040:2006. Trên thế giới, các doanh nghiệp đang có xu hướng công khai con số dấu chân các-bon trên bao bì sản phẩm, giúp tăng tính minh bạch, tăng độ cạnh tranh đồng thời giúp người dùng có thêm thông tin để lựa chọn được sản phẩm có ảnh hưởng môi trường thấp. Dấu chân các-bon là 1 tiêu chuẩn có thể dễ dàng so sánh được giữa các sản phẩm khác nhau, do vậy nó sẽ góp phần giúp chống lại hiện tượng “Quảng cáo xanh” (Greenwashing)[6]

Đối với quy mô lớn, như một doanh nghiệp hay một quốc gia, dấu chân các-bon đồng nghĩa với việc kiểm kê KNK, xác định và định lượng rõ các nguồn phát thải chính. Đối với doanh nghiệp, phương pháp tính dấu chân các-bon thường được sử dụng là Tiêu chuẩn quốc tế về kế toán và báo cáo phát thải khí nhà kính của The Greenhouse Gas Protocol[7], còn quốc gia sử dụng phương pháp luận về kiểm kê khí nhà kính của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC)[8]. Theo đó, dấu chân các-bon đối với doanh nghiệp bao gồm phát thải phạm vi 1 (phát thải trực tiếp từ hoạt động của đơn vị), phạm vi 2 (phát thải từ việc sử dụng điện và nhiệt mua từ nguồn khác), và phạm vi 3 (phát thải khác, không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp của đơn vị). Lý do cho việc phân loại các phạm vi như trên là để tránh việc tính trùng phát thải khi tổng hợp kiểm kê KNK cấp ngành và cấp quốc gia.

Việc tính dấu chân các-bon có nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Việc xác định và định lượng được các nguồn phát thải sẽ giúp doanh nghiệp có thể quản lý và đưa ra các biện pháp giảm phát thải hiệu quả và tiết kiệm nhất. Việc công khai dữ liệu về dấu chân các-bon cũng sẽ cải thiện hình ảnh, tăng tính cạnh tranh và tính minh bạch của sản phẩm cũng như doanh nghiệp. Với xu thế thị trường ưu chuộng những sản phẩm/ doanh nghiệp thân thiện với môi trường, nhu cầu về thông tin dấu chân các-bon sẽ tăng dần từ cả phía người tiêu dùng và phía nhà đầu tư. Ngoài ra, dấu chân các-bon sẽ trở thành một trong những yêu cầu để thâm nhập thị trường quốc tế.

Cùng với việc Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 có hiệu lực, việc kiểm kê KNK sẽ trở thành bắt buộc đối với gần 2000 doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, điều 139 quy định về việc thúc đẩy tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước. Những doanh nghiệp đã tiếp cận và thực hiện đánh giá dấu chân các-bon hay kiểm kê KNK sẽ sẵn sàng với những quy định này, đồng thời sẽ có lợi thế khi tham gia thị trường các-bon trong nước mới mẻ.

Ngoài phương pháp luận chặt chẽ, việc đánh giá carbon-footprint, đặc biệt đối với doanh nghiệp yêu cầu dữ liệu đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, nhất quán và minh bạch. Các dữ liệu thu thập được cũng cần đến các chuyên gia, những người có hiểu biết sâu sắc về sản phẩm, chuỗi cung ứng, các hoạt động của đơn vị, để để phân tích, đánh giá, và đưa ra các khuyến nghị về xây dựng quy trình, cải tiến dữ liệu và đưa ra các biện pháp, mục tiêu liên quan đến giảm nhẹ phát thải KNK tương ứng. Đến nay VNEEC đã thực hiện được việc tính toán dấu chân các-bon cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp và quỹ đầu tư với kết quả và chất lượng được đánh giá cao.

Dương Anh Dũng

Nguồn tham khảo:

[1] Tổng hợp số liệu từ báo cáo của Mạng lưới dấu chân các-bon châu Á (2017)

[2] https://www.euronews.com/green/2021/07/20/france-s-new-climate-law-has-just-been-approved-so-why-are-activists-so-unimpressed

[3] https://footprint.wwf.org.uk/#/

[4] https://www.nature.org/en-us/get-involved/how-to-help/carbon-footprint-calculator/

[5] https://ghgprotocol.org/product-standard

[6] ”Greenwashing” là việc một công ty dành hầu hết nguồn lực cho việc quảng cáo xanh hơn là thực hiện các hoạt động thực tế giúp giảm thiểu tác động môi trường.

[7] https://ghgprotocol.org/corporate-standard

[8] https://www.ipcc.ch/report/2006-ipcc-guidelines-for-national-greenhouse-gas-inventories/

 9,885 views,  6 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *