Chương trình Giảm nhẹ và Bù trừ phát thải Khí nhà kính đối với hàng không quốc tế (CORSIA) và nhu cầu mua tín chỉ các-bon trong thời gian tới (Phần 1)

17-07-2024

 4,424 views

 4,424 views

Phần 1:  Tổng quan về Chương trình Giảm nhẹ và Bù trừ phát thải Khí nhà kính đối với hàng không quốc tế (CORSIA)

  • Tại sao phải thực hiện CORSIA?

Theo Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), ngành hàng không (bao gồm cả hàng không trong nước và hàng không quốc tế) chiếm khoảng 2% tổng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn cầu do hoạt động của con người gây ra. Số liệu năm 2015 cho thấy khoảng 65% lượng tiêu thụ nhiên liệu cho ngành hàng không được sử dụng cho các chuyến bay quốc tế. Như vậy, hàng không quốc tế chịu trách nhiệm đối với khoảng 1.3% tổng phát thải KNK toàn cầu.

Trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), phát thải từ hàng không trong nước đã được theo dõi và báo cáo trong các báo cáo kiểm kê KNK quốc gia và được xem xét trong các mục tiêu giảm phát thải KNK trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của từng nước. Trong khi đó, các chuyến bay quốc tế phải báo cáo riêng và không được bao gồm trong mục tiêu NDC.

Do vậy, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã thống nhất mục tiêu tăng trưởng trung hòa các-bon từ năm 2020 và thực hiện CORSIA để đóng góp vào mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

  • CORSIA là gì và hoạt động như thế nào?

CORSIA là chương trình nhằm giúp ICAO đạt được mục tiêu tăng trưởng trung hòa các-bon từ năm 2020. CORSIA cho phép sử dụng các tín chỉ các-bon hợp lệ để bù trừ cho lượng phát thải KNK còn lại sau khi các hãng hàng không áp dụng các cải tiến về công nghệ, vận hành và thay đổi sử dụng nhiên liệu để giảm phát thải KNK.

Phát thải cơ sở áp dụng theo CORSIA như sau:

  • Từ năm 2021-2023: phát thải CO2 từ hàng không quốc tế năm 2019
  • Từ năm 2024-2035: 85% phát thải CO2 từ hàng không quốc tế năm 2019

Từ năm 2021 trở đi, CORSIA yêu cầu phát thải CO2 từ hàng không quốc tế vượt quá mức phát thải cơ sở sẽ phải mua tín chỉ các-bon để bù trừ.

  • Giai đoạn thực hiện của CORSIA và nghĩa vụ tham gia của quốc gia

CORSIA sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn thí điểm: từ 2021-2023
  • Giai đoạn thực hiện thứ nhất: từ 2024-2026
  • Giai đoạn thực hiện thứ hai: từ 2027 đến 2035

Sự khác nhau ở các giai đoạn là ở nghĩa vụ tham gia của các quốc gia. Các quốc gia tham gia vào giai đoạn thí điểm và giai đoạn thực hiện thứ nhất là tự nguyện. Đối với giai đoạn thực hiện thứ hai, ngoài việc tham gia tự nguyện, CORSIA áp dụng bắt buộc với tất cả các nước có tỷ lệ hoạt động hàng không quốc tế năm 2018 lớn hơn 0.5% tổng hoạt động hoặc đóng góp vào 90% tổng hoạt động cộng gộp theo RTK. Như vậy, Việt Nam nằm trong danh sách sẽ phải bắt buộc áp dụng CORSIA từ năm 2027.

Ngoài ra, CORSIA áp dụng tiếp cận dựa trên tuyến đường, theo đó:

  • Tuyến đường là đối tượng của CORSIA nếu cả hai quốc gia kết nối với tuyến đường đó tham gia vào CORSIA
  • Tuyến đường không là đối tượng của CORSIA nếu một hoặc cả hai quốc gia kết nối với tuyến đường đó không tham gia vào CORSIA.

Do áp dụng tiếp cận dựa trên tuyến đường, kể cả các quốc gia chưa tham gia vào CORSIA như Việt Nam mà có hãng hàng không vận hành bay trên tuyến đường giữa hai quốc gia tham gia vào CORSIA thì hãng hàng không này cũng sẽ chịu các nghĩa vụ về bù trừ phát thải KNK trên tuyến đường này theo CORSIA. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghĩa vụ bù trừ phát thải KNK theo CORSIA khác với nghĩa vụ đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) theo CORSIA. Nghĩa vụ MRV theo CORSIA áp dụng đối với tất cả các hãng hàng không có phát thải hàng năm lớn hơn 10.000 tCO2 với trọng lượng cất cánh được chứng nhận tối đa lớn hơn 5700kg  khi thực hiện các chuyến bay quốc tế.

Hồng Loan & Linh Nguyễn Lê (tổng hợp) (Còn tiếp…)

 4,425 views,  2 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *