Các kết quả chính của COP 26 và phân tích định hướng cho hoạt động quản lý và thực hiện cơ chế thị trường các-bon quốc tế tại Việt Nam

17-11-2021

 4,795 views

 4,795 views

Phần 1. Cơ chế theo Điều 6.4 và việc chuyển đổi các dự án/tín chỉ từ Cơ chế phát triển sạch (CDM)

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tổ chức từ ngày 31/10 đến 12/11/2021 tại Glasgow vừa qua được đánh giá là tương đối thành công với việc ban hành các quyết định quan trọng hướng dẫn thực hiện các cơ chế thị trường các-bon trong khuôn khổ Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Chúng tôi đã tổng hợp các kết quả đạt được của COP 26 và phân tích định hướng cho các hoạt động quản lý và thực hiện cơ chế thị trường các-bon quốc tế tại Việt Nam.

Tại kỳ họp lần này, các bên tham gia đã đạt được sự đồng thuận liên quan đến việc thành lập và chức năng của Cơ quan giám sát (Supervisory Body/SB) và các quy tắc, thủ tục, quy trình chung để hướng dẫn việc thực hiện cơ chế theo Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris. Các nội dung chính được thống nhất bao gồm:

  • Kỳ tín dụng: ngắn hơn so với Cơ chế phát triển sạch trước đây. Cơ chế Điều 6.4 sẽ áp dụng kỳ tín dụng tối đa 5 năm có thể gia hạn tối đa 2 lần, hoặc kỳ tín dụng tối đa là 10 năm không gia hạn. Đối với các hoạt động liên quan đến loại bỏ (removals), kỳ tín dụng tối đa là 15 năm, gia hạn tối đa hai lần. Kỳ tín dụng đối với Điều 6.4 phải bắt đầu từ năm 2021.
  • Phương pháp luận: sẽ được SB xây dựng và phê duyệt, dự kiến sẽ chặt chẽ hơn so với các Phương pháp luận hiện nay cho các dự án CDM. Điều 6.4 sẽ áp dụng tiếp cận dựa trên công nghệ tốt nhất hiện có, mức chuẩn tham vọng (ít nhất là mức phát thải trung bình của các hoạt động tốt nhất), phát thải thực tế hoặc lịch sử được điều chỉnh theo hướng giảm dần để đảm bảo tăng dần mức độ tham vọng theo thời gian.
  • Lệ phí: tăng tỷ lệ chia sẻ so với tỷ lệ trước đây theo CDM. Khi thực hiện chuyển giao, cơ quan đăng ký sẽ giữ lại 5% lượng tín chỉ ban hành vào Quỹ Thích ứng và ít nhất 2% lượng tín chỉ ban hành vào tài khoản hủy bỏ để đảm bảo đạt được giảm nhẹ phát thải chung toàn cầu.
  • Vai trò của nước chủ nhà: phê duyệt hoạt động dự án trước khi đệ trình đăng ký theo Điều 6.4, bao gồm các nội dung: i) xác nhận đóng góp của hoạt động dự án vào phát triển bền vững; ii) phê duyệt việc dự án có thể gia hạn kỳ tín dụng; và iii) thông tin về liên hệ giữa hoạt động dự án và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và dự kiến đóng góp của dự án vào việc thực hiện NDC. Ngoài ra, quốc gia chủ nhà cần thực hiện điều chỉnh tương ứng trong trường hợp trường hợp phê duyệt sử dụng các kết quả giảm nhẹ theo Điều 6.4 cho mục tiêu NDC và các mục đích giảm nhẹ quốc tế khác.
  • Chuyển đổi các hoạt động dự án theo Cơ chế phát triển sạch:  Các dự án đã đăng ký theo CDM có thể chuyển đổi để đăng ký theo Điều 6.4 khi gửi yêu cầu chuyển đổi cho Ban Thư ký và Quốc gia chủ nhà trước ngày 31/12/2023. Dự án có thể tiếp tục áp dụng phương pháp luận CDM đã được phê duyệt đến cuối kỳ tín dụng hoặc đến 31/12/2025 tùy theo thời hạn nào sớm hơn; sau đó, dự án sẽ phải áp dụng các phương pháp luận được phê duyệt theo Điều 6.4. Các dự án và chương trình quy mô nhỏ sẽ được ưu tiên chuyển đổi và các tín chỉ ban hành sẽ áp dụng các quy định về điều chỉnh tương ứng và các quy định khác của CMA/SB.
  • Sử dụng tín chỉ ban hành theo CDM cho NDC đầu tiên: tín chỉ từ các hoạt động hoặc chương trình dự án CDM được đăng ký sau ngày 1/1/2013 có thể được sử dụng để đạt được mục tiêu của NDC đầu tiên. Tín chỉ này cần phải đại diện cho các giảm phát thải trước năm 2021. Quốc gia chủ nhà không cần áp dụng điều chỉnh tương ứng với các tín chỉ này và không phải chịu lệ phí chia sẻ cho Quỹ thích ứng và phí hành chính theo quy định cho cơ chế Điều 6.4 nêu trên.

Sẽ cần nhiều kỳ họp tiếp theo nữa để SB có thể xây dựng và hoàn thiện các phương pháp luận và quy trình thực hiện cơ chế Điều 6.4.

Việt Nam, với vai trò là quốc gia chủ nhà cho các dự án và các tín chỉ tiềm năng theo Điều 6.4 cần chủ động xây dựng các hướng dẫn trong nước và tăng cường năng lực để có thể tham gia tích cực vào cơ chế theo Điều 6.4. Một số hoạt động sắp tới cần xem xét bao gồm:

  • Thống nhất về phương hướng và sắp xếp tổ chức thực hiện cơ chế Điều 6.4 (bao gồm việc xác định đối tượng tham gia (công/tư); quan điểm liên quan đến việc chuyển đổi các dự án CDM và sử dụng tín chỉ ban hành từ CDM cho NDC; quan điểm liên quan đến việc sử dụng các giảm phát thải theo Điều 6.4 cho NDC và các mục đích giảm nhẹ quốc tế khác; định hướng liên quan đến phương pháp luận đường cơ sở, kỳ tín dụng nhằm phù hợp với NDC quốc gia, v.v;
  • Phản ánh các Quyết định cập nhật của COP26 vào việc xây dựng các quy định mới và/hoặc điều chỉnh các văn bản/dự thảo văn bản liên quan đến thị trường các-bon của Việt Nam;
  • Xây dựng quy trình, thủ tục và hướng dẫn trong nước liên quan đến việc phê duyệt chuyển đổi các dự án CDM và sử dụng tín chỉ ban hành từ CDM cho NDC; quy trình, thủ tục và hướng dẫn trong nước liên quan đến việc ban hành thư phê duyệt cho dự án theo Điều 6.4.

Các đơn vị thực hiện dự án cần rà soát, đánh giá lại các hoạt động dự án hiện có của mình để xác định các hoạt động dự án/chương trình tiềm năng có thể chuyển đổi/phát triển theo cơ chế Điều 6.4 và thường xuyên cập nhật các quy định, hướng dẫn quốc tế và trong nước liên quan để có thể tích cực, chủ động tham gia vào cơ chế này.

Nguyễn Hồng Loan (tổng hợp & phân tích).

Xem tiếp Phần 2

 4,796 views,  4 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *