VNEEC tổ chức thành công Hội thảo Khởi động và chia sẻ kinh nghiệm về thị trường các-bon trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam”

23-04-2025

 92 views

 92 views

Chiều ngày 22/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo Khởi động và chia sẻ kinh nghiệm về thị trường các-bon (Hội thảo), đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong quá trình xây dựng sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật (Dự án HTKT) “Nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam”, hướng đến mục tiêu cung cấp cái nhìn sâu sắc và phân tích toàn diện để hỗ trợ cán bộ Bộ Tài chính trong việc triển khai sàn giao dịch các-bon tại Việt Nam, tập trung vào giai đoạn thí điểm trong giai đoạn 2025-2028.

Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu về Dự án HTKT, cập nhật bối cảnh và lộ trình của Việt Nam liên quan đến việc thiết lập và vận hành thị trường các-bon và sàn giao dịch tín chỉ các-bon; thảo luận về kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết lập và vận hành thị trường các-bon và sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại California, Vương Quốc Anh, Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Các chủ đề chính tại Hội thảo được trình bày bởi nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong nước và quốc tế về thị trường các-bon và sàn giao dịch các-bon.

(Ảnh: Bà Tô Nguyễn Cẩm Anh – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính)

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh – Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết, để tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và thực thi. Bộ Tài chính, với vai trò cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan thành lập thị trường các-bon trong nước. Bà Cẩm Anh nhấn mạnh, thông qua Hội thảo, Bộ Tài chính mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện phương án xây dựng và triển khai sàn giao dịch các-bon khả thi, hiệu quả và phù hợp thực tiễn Việt Nam.

(Ảnh: ông John Robert Cotton – Phó Giám đốc, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP))

Đại diện ETP, UNOPS, ông John Robert Cotton, Phó Giám đốc của ETP bày tỏ kỳ vọng Dự án HTKT sẽ cung cấp phân tích toàn diện nhằm hỗ trợ Việt Nam thiết lập sàn giao dịch trong giai đoạn thí điểm, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững, nâng cao năng lực thể chế và tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các bài trình bày chuyên sâu từ chuyên gia quốc tế đã mang đến nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Tiến sĩ Michael Mehling, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Năng lượng và Môi trường (CEEPR) tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)  trình bày về mô hình quản trị các sàn giao dịch các-bon trên thế giới và bài học kinh nghiệm từ hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS) tại California và Vương quốc Anh. Theo ông, yếu tố then chốt để thành công là sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết kế hệ thống phù hợp với điều kiện trong nước, đi kèm một chiến lược triển khai theo lộ trình, bắt đầu từ giai đoạn thí điểm và mở rộng theo ngành.

(Ảnh: Chuyên gia quốc tế của Dự án HTKT chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo)

Giáo sư Zhang Xiliang, Giám đốc Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Giao dịch phát thải các-bon Trung Quốc (CETA), Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Hệ thống Năng lượng, Hội nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc trình bày về quá trình thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Trung Quốc. Những kinh nghiệm từ Trung Quốc được xem là bài học hữu ích cho Việt Nam trong việc xây dựng mô hình phù hợp. Ông Zhang Xiliang cho biết, tại khu vực Châu Á, Trung Quốc là một trong số những quốc gia tiên phong trong triển khai sàn giao dịch tín chỉ các-bon, phát triển thị trường các bon trong nước. Trung Quốc đã đặt mục tiêu cụ thể để phát triển thị trường các-bon trong nước. Để đạt được mục tiêu, họ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng: Luật Bảo toàn năng lượng, Luật Năng lượng tái tạo, bộ chính sách hướng dẫn về đạt đỉnh phát thải các-bon; các tiêu chuẩn về năng lượng hiệu quả; v.v. Trung Quốc cũng đưa ra các cơ chế khuyến khích linh hoạt như: đầu tư và đổi mới các công nghệ phát thải thấp/không phát thải/phát thải “âm”; thay đổi mô hình sản xuất; thay đổi lối sống. Cùng với đó, xác định hạn mức phát thải cho các lĩnh vực phát thải lớn; hoặc xác định hạn mức phát thải cho các tỉnh/thành phố.

Thị trường các-bon bắt buộc tại Trung Quốc ban đầu chỉ là chương trình quy mô nhỏ, sau đó đã mở rộng ra 8 lĩnh vực bao gồm sản xuất năng lượng và các ngành sản xuất chính điện/nhiệt, sắt thép, phi kim, vật liệu xây dựng, kỹ thuật hóa dầu, kỹ thuật hóa chất, và hàng không dân sự. Phương pháp phân bổ hạn ngạch chính tại Trung Quốc là phân bổ miễn phí dựa vào sản lượng, và tới đây sẽ khuyến khích đấu giá cho hạn ngạch được phân bổ sớm nhất có thể.

Hội thảo cũng cập nhật lộ trình của Việt Nam trong việc thiết lập, vận hành thị trường các-bon và sàn giao dịch các-bon trong nước. Theo Quyết định 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 1/2025 phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao các-bon từ năm nay.

(Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia giảm nhẹ biến đổi khí hậu, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC))

Chia sẻ tại sự kiện, Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia giảm nhẹ biến đổi khí hậu, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành VNEEC cho biết: Theo Đề án, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì thiết kế, tổ chức và vận hành sàn giao dịch các-bon. Đây là nhiệm vụ có tính chất cốt lõi, đòi hỏi năng lực quản trị thị trường cao, sự phối hợp liên ngành và đặc biệt là khả năng hoạch định chính sách tài chính, thuế và định giá các-bon phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo bà Hạnh, Dự án HTKT không chỉ giúp nâng cao năng lực cho cán bộ Bộ Tài chính mà còn tạo nền tảng pháp lý và kỹ thuật cho quá trình vận hành thị trường các-bon trong tương lai.

(Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo Khởi động và chia sẻ kinh nghiệm)

Hội thảo thu hút đông đảo và đa dạng sự tham gia của các đại biểu cho thấy sự quan tâm của cộng đồng chính sách và chuyên gia đối với tiến trình xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội quan trọng để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và cùng thảo luận về các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình Việt Nam hiện thực hóa các cam kết khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

 93 views,  60 

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *