Khảo sát đánh giá sẵn sàng tham gia thị trường các-bon tự nguyện (VCM) của khu vực tư nhân tại Việt Nam

21-04-2025

 57 views

 57 views

Thị trường các-bon đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và phù hợp với Thỏa thuận Paris. Trong đó, thị trường các-bon bắt buộc – hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) – dự kiến sẽ được thí điểm từ năm 2025. Cơ chế này được thiết kế nhằm kiểm soát và từng bước giảm thiểu lượng phát thải ngày càng gia tăng do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Bên cạnh thị trường các-bon bắt buộc, việc thành lập thị trường các-bon tự nguyện (VCM) sẽ góp phần thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải các-bon trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thị trường VCM không chỉ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm phát thải mà còn nâng cao tham vọng ứng phó với biến đổi khí hậu chung của quốc gia.

Nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng và xác định nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp trong việc tham gia thị trường VCM, Cục Biến đổi khí hậu (Cục BĐKH) – Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện một khảo sát chuyên sâu tại bốn ngành kinh tế trọng điểm: (i) sản xuất lúa gạo, (ii) chế biến thực phẩm và đồ uống (F&B), (iii) chăn nuôi, và (iv) quản lý chất thải. Dự án được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12/2024, công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường đóng vai trò là đơn vị tư vấn hỗ trợ thực hiện dự án khảo sát này.

Ánh: Chuyên gia của IFC và VNEEC phỏng vấn doanh nghiệp khảo sát về sự sẵn sàng tham gia VCM

Khảo sát tập trung đánh giá năng lực kiểm kê khí nhà kính, các biện pháp giảm phát thải đã và đang được triển khai, cũng như mức độ nhận thức về thị trường VCM của các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, mặc dù một số doanh nghiệp đã bước đầu áp dụng các biện pháp giảm phát thải, mức độ sẵn sàng tham gia thị trường VCM vẫn còn phân hóa giữa các ngành. Ngành F&B có mức độ sẵn sàng cao nhất, tiếp đến là chăn nuôi, trong khi ngành quản lý chất thải ở mức trung bình và sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều hạn chế. Một trong những yếu tố tác động lớn đến mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong các ngành này là tính bắt buộc thực hiện kiểm kê KNK theo các quy định hiện hành và khả năng tiếp cận đến tài chính quốc tế thông qua vốn đầu tư hoặc vốn sở hữu. Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành F&B và ngành quản lý chất thải là những lĩnh vực bắt buộc phải kiểm kê KNK nên có mức độ sẵn sàng cao hơn. Ngoài ra, các công ty tư nhân lớn hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chiếm tỷ lệ sẵn sàng cao hơn do phải chịu quy định từ nhà đầu tư và đối tác quốc tế về các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội – đặc biệt phổ biến trong các ngành F&B và chăn nuôi.

Hương Giang tổng hợp

 58 views,  58 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *