Trung hòa carbon và Phát thải ròng bằng không: Hiểu rõ sự khác biệt

08-04-2025

 584 views

 584 views

Sau các tuyên bố mạnh mẽ về cam kết Phát thải ròng bằng không của các quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (tại COP 26), hai thuật ngữ “Trung hòa carbon – Carbon Neutral” và “Phát thải ròng bằng không – Net Zero” được các doanh nghiệp và các tổ chức sử dụng nhiều thể hiện cam kết về khí hậu của mình. Mặc dù có những điểm tương đồng và đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, hai khái niệm này vẫn có những điểm khác biệt quan trọng về phạm vi và cách tiếp cận, mục tiêu và lộ trình. Bài viết này sẽ phân tích các điểm giống và khác nhau của 2 khái niệm này theo tiêu chuẩn quốc tế.

Về mặt khái niệm, ở quy mô toàn cầu (global scale), trung hòa các-bon và net-zero theo định nghĩa của IPCC là tương đương. Cả hai được dùng để đều đề cập đến trạng thái trong đó lượng khí nhà kính (KNK) do con người tạo ra được cân bằng với lượng khí nhà kính KNK được loại bỏ trong một khoảng thời gian nhất định [1]. Ở quy mô nhỏ hơn (sub-global scale), Carbon Neutral thường được sử dụng cho tổ chức hoặc sản phẩm để nói đến trạng thái khi phát thải/dấu chân các-bon của tổ chức hoặc sản phẩm được bù trừ hoàn toàn. Trong khi đó, Net Zero thường được áp dụng cho một lãnh thổ (quốc gia, thành phố, v.v.) hoặc tổ chức để nói về trạng thái phát thải đã được giảm tới mức tối đa, và phần phát thải còn lại được bù trừ bằng tín chỉ loại bỏ [2]. Theo tiêu chuẩn ISO 14068-1:2023, cả hai khái niệm đều gồm tất cả các loại KNK thông thường trong kiểm kê KNK của tổ chức như CO2, CH4, N2O… Cả hai khái niệm đều bao gồm các nguồn phát thải trong phạm vi 1, 2 và 3, tuy nhiên tổ chức có thể loại bỏ các nguồn phát thải không trọng yếu nếu có giải thích hợp lý.

Như vậy, cả Carbon Neutral và Net-zero đều miêu tả trạng thái mà lượng KNK phát sinh từ các hoạt động của con người được cân bằng bằng lượng bù trừ tương đương, nhưng cách tiếp cận để đạt được hai mục tiêu này khác nhau [2]. Theo tiêu chuẩn ISO 14068-1:2023, để đạt được trạng thái Carbon Neutral, tổ chức cần phải đo đạc lượng phát thải KNK, thực hiện giảm phát thải và tăng cường hấp thụ, sau đó bù trừ phát thải bằng tín chỉ các-bon. Tổ chức có thể đạt được trạng thái Carbon neutral khi Tổng lượng phát thải và loại bỏ (sau khi đã thực hiện các biện pháp giảm phát thải và tăng cường hấp thụ) được trung hòa bằng tín chỉ (bao gồm cả tín chỉ giảm phát thải và tín chỉ loại bỏ) theo kế hoạch trung hòa các-bon mà tổ chức đã lập.

Khác với Carbon neutral, để đạt được trạng thái Net Zero theo hướng dẫn của ISO IWA 42:2022, tổ chức cần đặt mục tiêu giảm phát thải KNK xuống mức gần bằng 0 nhất có thể, lượng KNK còn lại sẽ được bù trừ bằng tín chỉ loại bỏ, ví dự như từ rừng. Các cam kết về Net Zero thường gắn liền với các mục tiêu khí hậu toàn cầu, chẳng hạn như các mục tiêu được nêu trong Thỏa thuận Paris [3] hoặc mục tiêu của SBTi.

Hình 1. Minh họa trạng thái trung hòa các-bon và net-zero theo ISO 14068-1:2023 (Nguồn: VNEEC)

Carbon neutral là mục tiêu ngắn hạn, vậy nên các tổ chức có thể đạt được trạng thái này ngay khi đã thực hiện giảm phát thải và bù trừ được toàn bộ lượng phát thải còn lại của mình. Tuy nhiên, tiêu chuẩn ISO 14068-1:2023 cũng yêu cầu mỗi tổ chức phải xây dựng kế hoạch quản lý trung hòa các-bon với lộ trình tăng cường các biện pháp giảm phát thải và hấp thụ KNK, đồng thời tăng cường sử dụng tín chỉ loại bỏ thay cho tín chỉ giảm phát thải, hướng tới mục tiêu dài hạn hơn là Net-zero.

Bảng 2: Các điểm khác nhau chính giữa Carbon Neutral và Net Zero

  Carbon Neutral

Net Zero

Định nghĩa Tổng lượng KNK phát sinh được cân bằng hoặc “bù trừ”.

 

Đối tượng áp dụng Cấp độ tổ chức, sản phẩm hoặc dịch vụ. Cấp độ toàn cầu, quốc gia hoặc tổ chức.
Mục tiêu Ngắn hạn, dài hạn Dài hạn
Cách tiếp cận Giảm phát thải, tăng cường hấp thụ và bù trừ bằng tín chỉ Giảm phát thải và tăng cường hấp thụ ở mức tối đa, rồi

bù trừ bằng tín chỉ

Loại bù trừ được sử dụng Tín chỉ các-bon tránh/giảm và tín chỉ loại bỏ Chỉ có tín chỉ các-bon loại bỏ

Tài liệu tham khảo

[1] Core Writing Team, H. Lee and J. Romero (eds.), “IPCC, 2023: Climate Change 2023: Synthesis Report. Contribution of Working Groups I, II and III to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change,” IPCC, Geneva, Switzerland, 2023.
[2] BS ISO 14068-1:2023, Climate change management – Transition to Net Zero – Part 1: Carbon Neutrality, BSI Standard Publication, 2023.
[3] G. e. al, “Net zero vs. carbon neutrality: supply chain managementchallenges and future research agenda,” International Journal of Logistics Research and Applications, 2024.
[4] PAS 2060:2014, Specification for the demonstration of carbon neutrality,, BSI Standard Publication, 2014.
[5] “Carbonomics 101: Carbon neutral vs. net-zero, and why the difference matters when setting climate targets,” [Online]. Available: https://www.natwest.com/corporates/insights/sustainability/carbonomics-101/carbonomics-101-carbon-neutral-vs-net-zero-and-why-the-difference-matters-when-setting-climate-targets.html. [Accessed 21 2 2025].

 585 views,  15 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *