Trong ngày 11/12/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ dự án SPI-NDC (Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) tài trợ, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn của dự án – Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) và Công ty CP Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu và tập huấn sử dụng Hệ thống báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính trực tuyến cho lĩnh vực sản xuất xi măng và sắt thép.
Hội tháo là một phần trong chuỗi đào tạo về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cho doanh nghiệp thuộc khuôn khổ dự án SPI-NDC. Sự kiện thu hút 65 đại biểu tham dự trực tiếp và 110 đại biểu tham dự trực tuyến trong buổi đào tạo cho lĩnh vực xi măng, cùng 70 đại biểu tham dự trực tiếp và 211 đại biểu tham dự trực tuyến trong buổi đào tạo cho lĩnh vực sắt thép. Thành phần tham dự bao gồm đại diện của Sở Công Thương, Sở Xây dựng cùng Sở Tài Nguyên và Môi trường các tỉnh, đại diện các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, đại diện của các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học và truyền thông.
Tại hội thảo, ông Lương Quang Huy – Trưởng phòng giảm nhẹ phát thải và Bảo vệ tầng ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường – chia sẻ: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nắm rõ và thực hiện kiểm kê KNK. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ cần thêm thông tin về hạn ngạch phát thải và các quy định liên quan.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng đã và đang thực hiện ban hành Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK cho lĩnh vực thuộc quản lý của từng Bộ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ một cách minh bạch và rõ ràng hơn. Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thống nhất phương pháp thực hiện và khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải KNK.
Ông Lương Quang Huy – Trưởng phòng giảm nhẹ phát thải và Bảo vệ tầng ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia SPI-NDC, bao gồm ông Koji Fukuda – Cố vấn trưởng JICA và ông Tohze Wataru – Chuyên gia dự án, đã chia sẻ về vai trò của cơ quan quản lý trong hệ thống báo cáo KNK tại Nhật Bản (SHK). Đây là những kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng và hoàn thiện hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính phù hợp với bối cảnh trong nước, đồng thời đáp ứng các cam kết quốc tế.
Ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng, Dự án JICA SPI-NDC
Bà Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC) – trưởng nhóm chuyên gia trong nước của dự án SPI-NDC
Ngành sản xuất xi măng và sắt thép đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế và hạ tầng quốc gia. Theo Quyết Định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024, có 117 doanh nghiệp sản xuất xi măng và 156 doanh nghiệp sản xuất thép thuộc danh sách 2.166 cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK.
Hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và các cơ sở sản xuất xi măng, sắt thép nói riêng còn gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện kiểm kê KNK. Tại buổi hội thảo, các đại biểu tham gia đã được cung cấp kiến thức liên quan đến Phương pháp tính toán KNK và phương thức báo cáo kết quả kiểm kê KNK. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý theo lĩnh vực (bao gồm các Sở, Bộ) đã được hướng dẫn và thực hành sử dụng các chức năng như nhận báo cáo mẫu từ các cơ sở và xác nhận báo cáo mẫu các cơ sở đã nộp. Đồng thời các đại biểu cũng được thực hành tính toán giả định trên hệ thống báo cáo kiểm kê KNK trực tuyến. Qua thực hành, các đại biểu đánh giá cao hệ thống này vì tính hữu ích và giao diện thân thiện, dễ sử dụng với người dùng, sẽ góp phần vào việc tăng cường năng lực và sự sẵn sàng cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất xi măng và sắt thép nhằm thực hiện các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến phát thải KNK theo quy định của pháp luật và chuẩn bị cho lộ trình cắt giảm phát thải nhằm thực hiện được những mục tiêu của doanh nghiệp, ngành và quốc gia.
Các đại biểu cũng nêu ra một số thắc mắc cụ thể trong quá trình thực hiện, chẳng hạn như: “Các cơ sở dự kiến khi nào có thể làm báo cáo online?”, “Nếu xử lý nước thải tự hoại xong lại đưa sang hệ thống hiếu khí thì điền như thế nào?”, “Doanh nghiệp gia công, không dùng vật liệu như trong kiểm kê mà dùng thép đầu vào xong cán thành cuộn, gia nhiệt rồi đưa vào mạ thì có phát thải không?”, hay “Thủ tục cơ quan nhà nước phê duyệt hệ số phát thải riêng của cơ sở được thực hiện như thế nào?”. Những câu hỏi này phản ánh mối quan tâm thực tế của các doanh nghiệp đã được ghi nhận và giải đáp trong suốt quá trình hội thảo. Đồng thời, đây cũng là những đóng góp quan trọng để hoàn thiện hệ thống và quy trình báo cáo, đảm bảo sự thuận tiện và hiệu quả trong triển khai.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã đánh giá cao giá trị thực tiễn của chương trình tập huấn, đặc biệt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu báo cáo khí nhà kính theo quy định. Những ý kiến đóng góp thiết thực và phản hồi tích cực từ các đại biểu sẽ là nền tảng quan trọng để dự án tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo trong tương lai, không chỉ tập trung vào ngành sản xuất xi măng và sắt thép mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác. Đây là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường năng lực kiểm kê và báo cáo KNK, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm phát thải của quốc gia theo các cam kết quốc tế.
32 views, 7
Tags:
Bài viết liên quan