Cơ hội mới từ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 về tín chỉ các-bon

26-11-2024

 57 views

 57 views

Trong thời gian qua, tình hình phát triển thị trường các-bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý để sớm đưa thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đi vào vận hành.

Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, tạo thuận lợi hơn để thực hiện các quy định, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng “0″.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập – Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC).

Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập – Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC)

– Thưa bà, trong bối cảnh Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0”, phát triển thị trường carbon, việc ban hành chính sách quốc gia nói chung và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nói riêng đã mang lại hiệu quả như thế nào?

Để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, cũng như cam kết khác cụ thể trong giai đoạn từ nay cho đến 2030 về giảm phát thải khí Mê – tan của Việt Nam đối với cả cộng đồng quốc tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính.

Trong đó, nghị định 06/2022 – một trong những Nghị định quan trọng nhất. Đây là Nghị định dưới luật Bảo vệ môi trường lần đầu tiên xác lập nghĩa vụ của doanh nghiệp phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp phải báo cáo số liệu kiểm kê và thực hiện các nghĩa vụ về giảm phát thải kính nhà kính.

Đồng thời, Nghị định 06/2022, cũng khẳng định và tạo ra công cụ, chính sách mới về thị trường các-bon trong nước. Công cụ định giá các-bon thông qua thị trường các-bon được xác định là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện cam kết NDC của Việt Nam.

Đến nay, Nghị định 06/2022 quy định nghĩa vụ phải báo cáo về kiểm kê phát thải nhà kính của doanh nghiệp cũng như lộ trình để thiết lập thị trường các-bon ở Việt Nam và vai trò trách nhiệm của các bộ ngành liên quan trong đó.

Nghị định là một bước ngoặt đối với phát triển thị trường các-bon trong nước của Việt Nam, đây cũng là khung pháp lý rất quan trọng để doanh nghiệp có thể thực hiện các nghĩa vụ nhưng đồng thời có thể tham gia được thị trường các-bon.

 

– Trong quá trình thực hiện Nghị định, bà nhận thấy những thách thức, khó khăn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon?

Mặc dù Nghị định được ban hành từ năm 2022, nhưng đến nay trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn cho cơ quản lý Nhà nước, các đơn vị hỗ trợ thực hiện và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi đây là lĩnh vực mới, một nghĩa vụ mà lần đầu tiên quy định cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp cũng khá ngỡ ngàng, có nhiều điểm doanh nghiệp vướng mắc cần làm rõ.

Ở khía cạnh cơ quan quản lý Nhà nước, khi chúng tôi triển khai các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực, ở các địa phương có quy định là cơ quan thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính, đơn vị tiếp nhận là thực hiện là UBND cấp tỉnh nhưng thực tế cấp tỉnh thì có nhiều sở ban ngành liên quan đối với phát thải nhà kính.

Do đó, các địa phương cũng sẽ lúng túng khi giao đơn vị nào làm đầu mối. Khi triển khai thực hiện tăng cường năng lực cho các sở ban ngành, họ cũng băn khoăn như Sở Tài nguyên môi trường thường xử lý về rác thải, bây giờ thêm thẩm định kết quả liên quan đến năng lượng, kiểm kê khí nhà kính liên quan đến xi măng, họ sẽ thiếu các chuyên gia để thực hiện.

Đối với doanh nghiệp, gặp khó khăn do chưa có những hướng dẫn, các khóa đào tạo chi tiết để thực hiện. Mặc dù hiện nay, các sở ban ngành cũng đã kết hợp với nhiều tổ chức, đơn vị triển khai các khóa đào tạo cho doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau.

Điển hình, chúng tôi triển khai các khóa đào tạo cho doanh nghiệp cho các lĩnh vực khác nhau do Jica tài trợ thông qua dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thực hiện cam kết quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC). Nhưng thực tế với số lượng có giới hạn, chưa thể chạm đến hết những doanh nghiệp mà phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính.

Các doanh nghiệp được đào tạo nằm trong 7 lĩnh vực: Xi măng, sắt thép, rượu bia, rác thải, giấy-bột giấy, dệt may, giao thông, nhưng cũng không thể bao trùm tất cả các doanh nghiệp mà phải thực hiện nghĩa vụ.

Cùng với đó, việc tham gia các khóa đào tạo cũng chỉ là bước đầu, gọi là “phá băng” chứ cũng chưa có một chuyên gia sâu để thực hiện được nghĩa vụ này. Vì vậy, trong quá trình thí điểm tại một số doanh nghiệp, để hướng dẫn, cầm tay chỉ việc thì cũng vẫn còn khó khăn.

– Trước những khó khăn trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô–dôn. Những sửa đổi, bổ sung nào bà cho là ưu tiên hàng đầu?

Nghị định 06/2022 đã tạo tiền đề pháp lý để xây dựng thị trường các-bon cũng như thúc đẩy các hoạt động báo cáo phát thải khí nhà kính và đầu tư giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện có nhiều nội dung cần được quy định sâu, chặt chẽ, thậm chí cần sửa đổi phù hợp với thực tế và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Ví dụ như quy định về thẩm định giảm phát thải hàng năm, quy định về doanh nghiệp tham gia trao đổi hạn ngạch,v.v. Do vậy, Nghị định 06 đã và đang được sửa đổi để bổ sung, điều chỉnh các nội dung cần thiết để có thể triển khai các hoạt động báo cáo thông tin, thẩm định chất lượng báo cáo và đặc biệt là thúc đẩy xây dựng và vận hành thị trường các-bon trong nước.

Khi có thị trường các-bon trong nước, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn các chiến lược giảm phát thải linh hoạt và phù hợp với thực tế của doanh nghiệp để chi phí giảm phát thải, tuân thủ các quy định của Nhà nước sẽ thấp hơn so với việc không có thị trường và bắt buộc tự giảm tại doanh nghiệp.

Việc tổ chức thị trường carbon cũng được cụ thể phù hợp với lộ trình và năng lực của doanh nghiệp để bảo đảm tính cạnh tranh cũng như giảm áp lực lên các doanh nghiệp quy mô và năng lực hạn chế. Các điều khoản báo cáo và thẩm định cũng rõ ràng hơn, giúp doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ báo cáo và các cấp thẩm định thông tin tốt hơn.

Hà An – VTVNews

 58 views,  29 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *