Chiều ngày 29/10, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), với vai trò là thành viên của Liên danh nhà thầu được lựa chọn để thực hiện Hỗ trợ kỹ thuật Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon tại Việt Nam, đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) và các đối tác tổ chức thành công Hội thảo Khởi động của Hỗ trợ kỹ thuật này. Hội thảo nhận được sự tham gia của hơn 150 đại biểu trực tuyến và trực tiếp, trong đó có lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu đến từ Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp phát thải lớn tại Việt Nam.
Ảnh: Đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết hiện nay đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng định giá các-bon, kiểm soát khoảng 11 tỷ tấn các-bon, chiếm 20% phát thải toàn cầu. Việt Nam cũng đang trong quá trình chuẩn bị cho thị trường các-bon nội địa, với lộ trình đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Tháng 6/2025, Việt Nam dự kiến sẽ phân bổ hạn ngạch và thử nghiệm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Hỗ trợ kỹ thuật này có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong việc đánh giá các tác động tiềm năng và chuẩn bị cho giai đoạn thí điểm này. Ông Quang cũng đánh giá cao chất lượng của đội ngũ tư vấn tham gia thực hiện Hỗ trợ kỹ thuật và hy vọng nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra những phát hiện và khuyến nghị hữu ích cho Việt Nam.
Ảnh: Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu
Đại diện cho Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP), ông John Robert Cotton, Quản lý Chương trình ETP, cũng nhấn mạnh vai trò của Hỗ trợ kỹ thuật này trong việc cung cấp các khuyến nghị dựa trên bằng chứng nghiên cứu nhằm hỗ trợ thiết kế và phát triển thị trường các-bon của Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Phạm Nam Hưng, cán bộ Cục Biến đổi khí hậu, đã chia sẻ thông tin cập nhật về các quy định quản lý thị trường các-bon trong nước và giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế của Việt Nam, trong đó bao gồm các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của Nghị định 06/2022/NĐ-CP liên quan đến công tác kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon để chuẩn bị cho thị trường các-bon trong thời gian tới. TS. Robert Ritz từ Đại học Cambridge chia sẻ các bài học kinh nghiệm của Châu Âu về thiết kế và quản lý Hệ thống ETS. Ông cũng đưa ví dụ điển hình về việc áp dụng thuế các-bon trong ngành điện của Anh đã giúp giảm 26% lượng phát thải CO₂ liên quan đến sản xuất điện chỉ trong ba năm. Ông Frederic Gagnon-Lebrun, chuyên gia từ tập đoàn South Pole, giới thiệu kinh nghiệm quốc tế trong việc xác định các phương án quản lý và đánh giá tác động trong việc quản lý giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng, để thu hút đầu tư và đảm bảo minh bạch, Việt Nam cần đơn giản hóa quy tắc và quy trình giao dịch tín chỉ các-bon, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý rõ ràng đối với tín chỉ các-bon giao dịch trên thị trường. Bà Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC), trưởng nhóm tư vấn, giới thiệu tổng quan về Hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận để xác định các phương án quản lý hạn ngạch và tín chỉ các-bon cho Việt Nam. Dự kiến Hỗ trợ kỹ thuật sẽ kéo dài đến tháng 9/2025 với 7 sản phẩm chính tập trung vào nội dung đánh giá tác động đối với thị trường các-bon trong nước và việc giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế. Ngoài Hội thảo khởi động này, Hỗ trợ kỹ thuật sẽ bao gồm 2 hội thảo tham vấn và 1 hội thảo kết thúc.
Trong phiên thảo luận, bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường, đã trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo về các nguyên tắc và các tiếp cận để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong quản lý thị trường các-bon.
Ảnh: Bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến chính sách quản lý và hỗ trợ các dự án tín chỉ các-bon, kế hoạch triển khai thị trường các-bon trong thời gian tới, và các phương thức để đảm bảo độ chính xác và tin cậy của dữ liệu cho mô hình đánh giá tác động.
Ảnh: Các đại diện VNEEC tham dự Hội thảo
Hội thảo khởi động là khởi đầu quan trọng cho việc triển khai Hỗ trợ kỹ thuật Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon tại Việt Nam trong thời gian tới nhằm hỗ trợ xây dựng và vận hành thị trường các-bon tại Việt Nam.
Linh Nguyễn Lê
122 views, 2
Tags:
Bài viết liên quan