Ngày 22/8/2024, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tổ chức Hội nghị tập huấn Hiệp hội doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung. Sự kiện nhằm cung cấp thông tin đầu vào hỗ trợ địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy một môi trường kinh doanh hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Ảnh: Hội nghị tập huấn Hiệp hội doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung tại tỉnh Bình Định do VCCI phối hợp USAID tại Việt Nam tổ chức.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Đậu Tuấn Anh, Phó Tổng thư ký VCCI và đồng thời là Giám đốc dự án PGI nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong các hoạt động sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi này.
Ảnh: Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc dự án PGI
Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn cũng thông tin về Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do VCCI xây dựng, nhằm cung cấp dữ liệu và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các địa phương trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Ông nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao nhận thức và hành động tích cực hơn đối với các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu và chính sách môi trường để không bị ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình kinh doanh.
Ảnh: Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) tại Hội nghị tập huấn
Tại Hội nghị tập huấn, bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), đã đưa ra khuyến nghị rằng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần chủ động có chính sách và chiến lược đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, phát thải khí nhà kính (KNK) và tăng trưởng xanh nếu muốn thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Quy trình xanh hóa chuỗi cung ứng đã trở nên bắt buộc, không còn là lựa chọn mà là yêu cầu sống còn để duy trì sự cạnh tranh và cơ hội nhận đơn hàng xuất khẩu.
Bà Hạnh nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn, Net-zero, và tăng trưởng xanh là ba yếu tố cốt lõi trong việc đối phó với thách thức biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo vệ môi trường. Theo bà, tăng trưởng xanh không chỉ tạo ra các cơ hội mới cho nền kinh tế tuần hoàn mà còn giúp giảm nhẹ phát thải KNK, qua đó đóng góp quan trọng vào việc đạt mục tiêu Net-zero. Việc đạt được Net-zero sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch và xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và sẽ lại tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng xanh. Đồng thời, kinh tế tuần hoàn sẽ giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ mục tiêu Net-zero thông qua việc giảm nhẹ phát thải KNK. Khi ba phương thức này được triển khai đồng bộ, chúng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Hạnh đã giới thiệu các điển hình doanh nghiệp trong nước đang đi đầu thực hành Trung hoà các bon và giảm phát thải khí nhà kính (Vinamilk, Gemadept) để các đại biểu từ hiệp hội, doanh nghiệp có thể học hỏi từ các hoạt động này.
Hội nghị đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và địa phương nắm bắt thông tin và xu hướng mới trong phát triển kinh tế bền vững, phát thải các-bon thấp đồng thời khuyến khích các hành động thiết thực hướng tới tăng trưởng xanh. Sự kiện này là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh tại khu vực duyên hải miền Trung, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.
882 views, 2
Tags:
Bài viết liên quan