Tín chỉ các-bon rừng là tín chỉ được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính (KNK) bao gồm: giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật (ARR), và hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM).
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới thì các hoạt động phá rừng và suy thoái rừng chiếm khoảng 12% tổng lượng phát thải KNK trên thế giới. Tuy nhiên, các giải pháp giảm phát thải dựa vào tự nhiên, bao gồm cả rừng có thể đóng góp tới 37% mức giảm phát cần thiết để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2°C[1]. Điều này cho thấy, các giải pháp giảm phát thải dựa vào tự nhiên nói chung và rừng nói riêng là các công cụ đầy hứa hẹn đối với các doanh nghiệp, tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu của mình và là một nguồn lợi kinh tế tiềm năng đối với các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng ta có tổng cộng 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Trong giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11% và 89% còn lại chủ yếu là do chuyển mục đích sử dụng rừng cho các dự án phát triển kinh tế[2]. Việc tận dụng nguồn tài chính từ tín chỉ các-bon sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn diện tích rừng tự nhiên cũng như tăng cường diện tích rừng trồng hiện nay, từ đó giúp bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải KNK, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Phát triển các dự án tín chỉ các-bon rừng là cơ hội lớn cho các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mà nhu cầu đối với loại hình tín chỉ này đang rất lớn trên thị trường các-bon. Ngoài ra giá của tín chỉ các-bon rừng cũng thường cao hơn so với các loại hình tín chỉ khác. Theo số liệu năm 2019, giá trung bình của một tín chỉ REDD+ là 3,79 USD/tín chỉ và đối với các dự án trồng rừng mới, tái tạo thảm thực vật là 7,89 USD/tín chỉ[3]. Tại Việt Nam, Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 đang được triển khai tại 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế với mục tiêu giảm phát thải KNK và tăng hấp thụ khoảng 32,09 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) đã cam kết mua 10,3 triệu tấn với giá 5 USD/tín chỉ[4]. Hơn nữa, theo tổ chức Ecosystem Marketplace[5] thì giá của tín chỉ các-bon rừng có thể tăng mạnh trong những năm tới khi mà nhu cầu đối với loại hình tín chỉ này đang ngày càng tăng đến từ khu vực tư nhân và thị trường tự do.
Mặc dù là một thị trường sôi động đầy hứa hẹn, với đầy đủ các phương pháp luận được phê duyệt tương ứng cho các hoạt động giảm phát thải và tăng cường hấp thụ từ các hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng, nhưng số lượng dự án tín chỉ các-bon rừng được đăng ký còn rất hạn chế. Hiện nay trên thế giới có tổng cộng 14 dự án trồng mới rừng đã được đăng ký theo cơ chế Phát triển sạch (CDM), và 225 dự án đăng ký theo cơ chế Tiêu chuẩn Các-bon được thẩm định (VCS). Tại Việt Nam, mới chỉ có dự án trồng rừng Cao Phong được đăng ký theo CDM. Đây là một con số rất nhỏ so với số lượng các dự án tín chỉ các-bon thương mại trong các lĩnh vực khác.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng đăng ký hạn chế nêu trên, từ sự phức tạp của phương pháp luận; tính chặt chẽ trong yêu cầu thu thập, giám sát dữ liệu đến những rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án rừng. Một số thách thức có thể kể đến như sau:
- Đánh giá hợp lệ của dự án theo phương pháp luận: Để có thể thực hiện một dự án tín chỉ các-bon rừng thì khu vực dự án phải thỏa mãn các điều kiện nhất định dựa theo các tiêu chuẩn và phương pháp luận tương ứng. Ví dụ, đối với một dự án trồng rừng mới theo VCS thì khu vực thực hiện dự án phải đảm bảo là đất trống hoặc cây bụi trong thời gian 10 năm trở lại trước ngày bắt đầu dự án. Điều này đặt ra các trở ngại trong việc thu thập dữ liệu quá khứ nhằm xác định các diện tích đất trống hợp lệ để phát triển dự án tín chỉ.
- Đo đạc, giám sát dữ liệu: Việc đo đạc khả năng hấp thụ các-bon của rừng là một vấn đề khó khăn đặc biệt đối với các nước nhiệt đới như Việt Nam do tính đa dạng về các loại rừng, sự khác biệt về các yếu tố vật lý và môi trường giữa các khu vực. Do vậy, nhiều khu vực rừng yêu cầu việc đo đạc thực địa để có thể điều chỉnh lượng các-bon hấp thụ ước tính phù hợp với thực tế hiện trường, điều này có thể là một thách thức đối với các khu vực rừng rộng, việc kiểm tra thực địa đỏi hỏi nguồn chi phí và nhân lực lớn.
Việc giám sát định kỳ cho các dự án lớn chẳng hạn như các dự án tránh phá rừng có kế hoạch hoặc không có kế hoạch (Avoided Planned/Unplanned Deforestation) cho các tỉnh hoặc khu dự trữ bảo tồn quốc gia càng đặc biệt khó khăn. Hai phương pháp phổ biến thường được áp dụng trong việc giám sát những thay đổi trên quy mô lớn là phân tích ảnh viễn thám kết hợp với khảo sát hiện trường. Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều tốn kém và có thể có sai số trong quá trình lấy mẫu.
- Rủi ro trong quá trình thực hiện: Quá trình thực hiện dự án có thể gặp nhiều rủi ro, như sâu bệnh, băng giá, cháy rừng, v.v khiến cho dự án không đạt được lượng tín chỉ các-bon ước tính. Ngoài ra, giai đoạn tín chỉ dài (từ 20 đến 100 năm) đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các bên tham gia để có thể duy trì hoạt động dự án theo đúng thiết kế. Do vậy, các tiêu chuẩn hiện nay đều yêu cầu giữ lại một lượng tín chỉ nhất định (thường từ 15-20%) để bù trừ trong trường hợp giảm phát thải từ dự án bị đảo ngược.
Ngoài ra còn rất nhiều thách thức khác trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án tín chỉ các-bon rừng. Để giải quyết các thách thức trên, VNEEC đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và các đối tác quốc tế để đánh giá tiềm năng và phát triển các dự án tín chỉ các-bon rừng tại một số tỉnh nhằm thúc đẩy việc phát triển thị trường tín chỉ các-bon rừng tại Việt Nam.
Trịnh Nam Phong
Nguồn tham khảo:
[1] https://www.worldbank.org/en/news/feature/2021/11/05/healthy-forests-are-fertile-ground-for-carbon-markets
[2] https://nhandan.vn/moi-truong/he-so-che-phu-rung-cua-viet-nam-dat-42-cao-hon-muc-binh-quan-cua-the-gioi-623083/
[3] https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/35620
[4] https://baophapluat.vn/viet-nam-se-thu-ve-51-5-trieu-usd-nho-chuyen-nhuong-10-3-trieu-tan-co2-post368183.html
[5] https://www.ecosystemmarketplace.com/publications/state-of-forest-carbon-finance-2021/
11,502 views, 8
Tags:
Bài viết liên quan