Khoảng 25.000 đại biểu sẽ tham dự hội nghị COP26 tại Glasgow, Anh từ ngày 31/10 để thảo luận về cách giúp Trái Đất không nóng lên quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
COP26 là tên viết tắt của Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Đây là sự kiện thường niên được Liên Hợp Quốc tổ chức nhằm đánh giá quá trình ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu.
Hội nghị năm nay diễn ra trong thời điểm được đánh giá là “then chốt” trong đương đầu với thách thức này. Theo giới khoa học, các quốc gia cần hành động mạnh mẽ và nhanh chóng để ngăn chặn các hậu quả không thể đảo ngược với nhân loại.
Nơi tụ hội các nhà lãnh đạo
Hội nghị COP26 sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 12/11, dưới sự đồng chủ trì của Anh và Italy. Sự kiện này vốn dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020, nhưng bị hoãn một năm do đại dịch Covid-19.
Trong tuần đầu tiên, các quan chức sẽ thảo luận về các vấn đề như tài chính, năng lượng hay trao quyền cho công chúng. Trong tuần thứ hai, chủ đề thảo luận sẽ hướng đến các vấn đề như hỗ trợ cho phụ nữ, giao thông vận tải, khoa học hay thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP26 sẽ tiếp tục thảo luận về việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Ảnh: AFP.
Các nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia sẽ chỉ tham dự trong những ngày đầu hội nghị. Sau khi họ ra về, đại diện các quốc gia – thường ở cấp bộ trưởng hoặc quan chức cấp cao – sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán phức tạp. Ước tính có khoảng 25.000 người tham dự hội nghị.
COP26 được tổ chức tại thành phố Glasgow, Anh. Tuy một số sự kiện trực tuyến được tổ chức, phần lớn hoạt động sẽ diễn ra trực tiếp. Chính phủ Anh vẫn yêu cầu đại diện từ các quốc gia nguy cơ cao phải cách ly tại khách sạn. London tuyên bố họ sẽ chịu chi phí cách ly và tiêm vaccine cho các đại biểu có nhu cầu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo khác đã xác nhận tham dự sự kiện.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến Glasgow nhưng sẽ có bài phát biểu qua hình thức trực tuyến. Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng hủy bỏ kế hoạch tham dự do điều kiện sức khỏe.
Bên cạnh đó, nhiều học giả, chuyên gia, doanh nhân, nhà hoạt động cũng sẽ có mặt tại Glasgow, bao gồm nhà vận động vì môi trường Greta Thunberg.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
Tầm quan trọng của hội nghị
Có ba lý do chính khiến hội nghị COP26 năm nay đặc biệt quan trọng.
Đầu tiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi ưu tiên của các quốc gia. Người dân và chính phủ nhận thấy cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, yêu cầu “phục hồi xanh”, chú ý đến môi trường được nhiều người nhắc đến.
Thứ hai, hội nghị được tổ chức chỉ vài tháng sau khi báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc được công bố.
Nhân loại cần giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ảnh: Guardian.
Bản báo cáo cảnh báo loài người về những thảm họa xảy ra nếu không cắt giảm khí nhà kính, bao gồm các hậu quả “không thể đảo ngược” như thềm băng ở Greenland và Nam Cực tan ra, hay hàng tỷ tấn carbon thoát ra khỏi vùng bị đóng băng vĩnh cửu tại Siberia.
Thứ ba, COP26 được coi là sự nối tiếp của hội nghị COP21 tại Paris năm 2015. COP21 là hội nghị thành công lịch sử khi các quốc gia đạt được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo hiệp định, các quốc gia có nghĩa vụ giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được điều này, các nước có nghĩa vụ giảm khí nhà kính, tăng sử dụng năng lượng tái tạo. Các nước giàu cũng cần hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo.
Để đạt được mục tiêu trên, các quốc gia cần tự đề xuất mục tiêu giảm phát thải (hoặc giảm tốc độ tăng phát thải) khí nhà kính từ nay đến năm 2030. Tuy vậy, các mục tiêu này là không đủ. Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2016 nhận định chúng vẫn khiến nhiệt độ Trái Đất tăng ít nhất 3 độ C.
Đây không phải điều bất ngờ. Các đại biểu tại hội nghị Paris năm 2015 đều hiểu điều này. Do đó, nước chủ nhà Pháp “cài” điều khoản yêu cầu các nước đánh giá quá trình thực hiện và đề ra cam kết mới 5 năm một lần. Thời hạn 5 năm kết thúc vào cuối năm 2020, tuy vậy, đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia chưa kịp thực hiện.
Giờ đây, các nước cần đánh giá lại các cam kết của mình trước hội nghị COP26 để hiện thực hóa mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C. Dự kiến các cam kết này sẽ là nội dung đàm phán chính trong hội nghị. Theo giới khoa học, đến năm 2030, loài người cần cắt giảm 45% khí thải carbon (so với năm 2010) và đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong năm 2050.
Thách thức to lớn
Bên cạnh cam kết cắt giảm khí nhà kính, nước chủ nhà Anh cũng mong muốn tập trung vào ba lĩnh vực trọng yếu khác: hỗ trợ tài chính, ngưng sử dụng than và các sáng kiến bảo tồn, phục hồi thiên nhiên.
Tại hội nghị khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch, các nước giàu cam kết hỗ trợ các nước nghèo 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020. Tuy vậy, mục tiêu trên đã không được hiện thực hóa. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết số tiền thực chi năm 2020 chỉ là 80 tỷ USD.
Các nước đang phát triển cần được hỗ trợ để chuyển đổi sang năng lượng bền vững hơn. Ảnh: Guardian.
Ngưng sử dụng than là yếu tố quan trọng khác trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Một số quốc gia đã bắt đầu hành động. Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, tuyên bố chấm dứt đầu tư vào các dự án than ở nước ngoài. Tuy vậy, lượng tiêu thụ than ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Australia… vẫn còn ở mức cao.
Ngoài ra, hội nghị COP26 còn bàn đến vấn đề mua bán phát thải carbon. Đây là cơ chế giúp các nước nghèo có nguồn tài chính để chi vào các nỗ lực giảm phát thải, trong khi các nước giàu có thể phần nào giảm gánh nặng từ các cam kết. Tuy vậy, hệ thống mua bán phát thải hiện nay bị coi là chưa đủ hiệu quả và dễ bị lợi dụng.
Dù nhiều cam kết mạnh mẽ hơn sẽ được công bố trước và trong hội nghị, cả Liên Hợp Quốc, Anh và Mỹ đều thừa nhận COP26 sẽ không thỏa mãn kỳ vọng. Với kết quả của hội nghị, nhiệt độ Trái Đất vẫn sẽ vượt quá mốc tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Kết quả này có thể khiến nhiều nhà hoạt động môi trường thất vọng. Tuy nhiên, đây không phải điều bất ngờ. Xét đến sự phức tạp của các cuộc đàm phán và khác biệt trong lợi ích quốc gia, một kết quả hoàn hảo là không thể.
Mục tiêu của nước chủ nhà Anh sẽ là giúp mục tiêu được 1,5 độ C vẫn còn hy vọng đạt được. London cũng cần đảm bảo các cuộc đàm phán sẽ diễn ra suôn sẻ, tránh lặp lại sự hỗn loạn, chia rẽ và chỉ trích lẫn nhau như sau hội nghị COP15 tại Copenhagen năm 2009.
Nguồn: Việt Hà, Zing News.
2,125 views, 6
Tags:
Bài viết liên quan